Những màn “đấu súng” trên chấm 11m tại EURO 2016 một lần nữa cho thấy, penalty không dễ. Nó là trò chơi hại não và áp lực bậc nhất thế giới.
Nghề nào đòi hỏi thần kinh phải tốt và chịu áp lực nhất thế giới? Trong Top 10 công việc chịu áp lực lớn nhất trên thế giới hiện nay, đứng đầu là các nhân viên làm nghề dưỡng lão phục vụ người già ốm tại các viện dưỡng lão hoặc các cô giáo mầm non. Vì áp lực công việc nặng nề, có tới 11% những người làm công việc này bị trầm cảm.
Xếp thứ 2 trong danh sách là nhân viên phục vụ nhà hàng, khi có tới 10% nhân viên phục vụ dính trầm cảm, con số của phụ nữ ở lĩnh vực này lên tới 15%. Các nghề áp lực dễ dính trầm cảm khác còn có đội ngũ y bác sĩ, giới văn nghệ sĩ, giáo viên, bán hàng, lính cứu hỏa, môi giới chứng khoán…
Trong Top 10 những công việc chịu áp lực nhất thế giới xưa nay, cầu thủ bóng đá và lái xe taxi chưa bao giờ được xếp hạng vào nghề… hại não. Tuy nhiên trên thực tế, cầu thủ phải chịu rất nhiều sức ép, áp lực.
Chỉ riêng báo cáo từ Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) thì trên thế giới có tới 25% cầu thủ dính trầm cảm vì không chịu nổi áp lực sân cỏ, tức cứ 4 cầu thủ sinh hoạt trong FIFPro thì có 1 cầu thủ bị mắc chứng bệnh này.
25% cầu thủ dính trầm cảm vì không chịu được áp lực? Vậy khi đứng trước một quả penalty - một cú đá có ảnh hưởng rất lớn đến thành quả của đội tại một giải đấu lớn như EURO, cầu thủ còn phải chịu áp lực tới đâu?
Nhà thần kinh học Vincent Walsh, Trường Đại học College London cho biết: “Không cầu thủ nào nói rằng, họ thua một trận đấu, họ sút hỏng một quả penalty là do họ chạy không đúng hoặc quên cách sút bóng. Vấn đề là anh ta mất tinh thần, chứ không liên quan tới thể lực hay kỹ thuật”.
Nhà tâm lý học thể thao Greg Wood, Trường Đại học Liverpool Hope cùng các đồng nghiệp cũng đã nghiên cứu 400 tình huống sút penalty trong những năm qua.
Theo Wood, penalty không chỉ là trò may rủi kiểu “đánh xổ số” như Cristiano Ronaldo từng nói, mà nó còn phụ thuộc vào tinh thần của cầu thủ thực hiện có tốt hay không.
Chẳng hạn, tâm lý của người Anh kém hơn “tinh thần thép” của người Đức, và đó là lý do từ năm 1982 đến nay, qua các giải đấu lớn, Đức toàn thắng trong 7 loạt phải phân định thăng thua bằng penalty, gần nhất là trận thắng của thầy trò Joachim Loew trước Italia.
Tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng từ chấm 11m của cầu thủ Đức cũng khá tốt, 92% thành công. Trong khi đó con số của cầu thủ Anh chỉ là 67%.