Khi nhắc tới khái niệm "Thế hệ vàng", người ta có thể hình dung ra ngay những đội bóng xuất sắc như Barcelona 1992, Ajax 1995, thế hệ '92 của Man Utd ... hay lứa những Neville, Beckham, Gerrard, Lampard, Owen và Rooney của Tuyển Anh.
Nhưng để nói cho ngọn ngành nguồn gốc, thì số đông vẫn cho rằng khái niệm này được sử dụng lần đầu để nói đến Bồ Đào Nha cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, khi họ sở hữu những cầu thủ trẻ đã từng lên ngôi vô địch U.20 thế giới hai năm liền 1989 và 1991, và khiến cả thế giới phải chú ý đến những "tân tinh" trên bầu trời bóng đá thế giới.
Được dẫn dắt bởi "Cậu bé vàng" Luis Figo - một tiền vệ sáng tạo kiệt xuất - Bồ Đào Nha đã vươn lên trở thành một thế lực lớn khi trong đội hình có những Peixe, Jorge Costa, Joao Pinto, Rui Costa và sau đó được bổ sung Sa Pinto, Pedro Barbosa và Fernando Couto.
Trước đó, Bồ Đào Nha đã không thể giành quyền tham dự một giải đấu lớn kể từ Mexico '86 và với một lứa trẻ xuất chúng, người Bồ Đào Nha hy vọng đó sẽ là nền tảng vững chắc để giành được những danh hiệu.
Thế nhưng, kể từ khi gây được tiếng vang tại EURO '96, Bồ Đào Nha vẫn chưa thể một lần hiện thực hóa tham vọng giành được chức vô địch một giải đấu lớn, dù họ đã từng ở rất gần với danh hiệu đó năm 2004 trên sân nhà.
EURO 2016 là lần thứ 9 liên tiếp Bồ Đào Nha góp mặt tại một giải đấu lớn, tuy vậy kể từ sau giải đấu cách đây 4 năm khi họ gục ngã trên chấm luân lưu trước Tây Ban Nha, bóng đá Bồ Đào Nha bắt đầu đi xuống mà rõ nhất là tấm vé vớt đến World Cup 2014 cùng màn trình diễn thiếu thuyết phục tại vòng loại.
Bồ Đào Nha là một trong những đội bóng đầu tiên công bố danh sách chính thức đến Pháp, nhưng khi nhìn vào những con người đó, dù vẫn có Pepe, Carvalho, Nani, Quaresma, Moutinho nhưng chính người Bồ Đào Nha cũng phải giật mình vì không thiếu những cái tên lạ hoắc.
Sau khi lần lượt Figo, Rui Costa rồi tới Deco, Pauleta lần lượt giã từ đội tuyển, người ta vẫn gọi vui Bồ Đào Nha là đội bóng của Crisitano Ronaldo và những người bạn.
Một cá nhân dù xuất chúng đến mấy cũng không bao giờ làm nên một đội bóng, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà Ronaldo là cầu thủ lớn nhất và có lẽ là ngôi sao duy nhất người Bồ đang có thời điểm này.
Vậy lý do gì mà một đội bóng từng theo đuổi lối đá tấn công quyến rũ, với mỹ danh "Brazil của châu Âu" lại đánh mất bản sắc của mình như thế?
Quay ngược thời gian về khoảng giữa những năm 90, khi đó đất nước Bồ Đào Nha trải qua sự biến động về bộ máy chính quyền khi ứng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa Antonio Guterres giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống.
Những quyết sách mạnh mẽ dưới thời chính phủ mới giúp Bồ Đào Nha duy trì được sự ổn định và tiến một bước dài tới việc gia nhập Liên minh tiền tệ châu Âu năm 1998. Và đến năm 2002, Bồ Đào Nha chính thức thay thế đồng tiền Escudo truyền thống bằng đồng euro.
Đó là thời kỳ Bồ Đào Nha trở thành ngôi sao sáng của châu Âu về kinh tế, và là bàn đạp để ông Guterres tái đắc cử với chiến thắng gần như tuyệt đối. Nhưng mộng đẹp lại thường dễ tan, khi cuộc hội nhập kinh tế biến thành con dao hai lưỡi đe dọa sự cân bằng của kinh tế Bồ Đào Nha.
Những vụ bê bối liên quan đến tham những, lạm phát tăng cao chóng mặt khiến nền kinh tế của đất nước có dân số chỉ hơn 10 triệu dân này nhanh chóng sa sút, đối diện với nguy cơ trở thành thảm họa quốc gia.
Người kế nhiệm ông Guterres, Jose Manuel Durao Barroso cũng bất lực trong việc giải quyết những cuộc khủng hoảng tài chính và cân bằng ngân sách của đất nước khiến Bồ Đào Nha phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng cao, cũng như đời sống khắc khổ của người dân.
Thành công của ĐTQG tại EURO 2004 chỉ giúp nền kinh tế Bồ Đào Nha giảm đi đôi chút sự tiêu cực, chứ không thể tạo nên cú hích giúp đất nước ở bán đảo Iberia này vượt qua khủng hoảng.
Đến gần đây, chính phủ Bồ Đào Nha mới có những bước đi đáng kể trong cải cách hành chính và kìm hãm khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp 16,4% năm 2012 đã được giảm xuống còn 12%, nhưng con số đó vẫn là quá cao, trong khi tổng số nợ của đất nước so với tổng bình quân thu nhập của cả nước vẫn cao hơn tới 128%.
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người dân Bồ Đào Nha thấp hơn tới 76% so với mặt bằng chung châu Âu, và là một trong 3 nước nghèo nhất Lục địa già, cùng với Hy Lạp và Estonia.
Với dân số chỉ bằng gần 1/5 quốc gia láng giềng Tây Ban Nha, bằng 1/6 của Italia và 1/8 của Đức, Bồ Đào Nha đã tạo nên những vết son trong lịch sử, khi lần lượt vào tới bán kết năm 2000, 2006 và 2012 cũng như tứ kết 2008 và cả ngôi Á quân 2004.
Thế nhưng, sự u ám của nền kinh tế đã khiến cho bóng đá Bồ Đào Nha ngày càng đi xuống, và rất có thể Ronaldo, cũng giống như "Thế hệ vàng" năm xưa mãi mãi không thể đi đến đỉnh cao.