Trên bình diện các giải đấu châu lục ở mọi cấp độ, bóng đá ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á vốn bị xem là lép vế so với Đông Á, Tây Á, vùng vịnh và kể cả Trung Á. Việc vượt qua vòng bảng ở các sân chơi vốn được xem là bất ngờ.
Bởi vậy, khi U23 Việt Nam vào đến trận chung kết U23 châu Á 2018, cả châu Á xem đó là “cơn địa chấn”. Và sau đó, Olympic Việt Nam vào đến bán kết ASIAD 2018 thì cũng được xem là bất ngờ lớn của giải đấu.
Các giải đấu ở cấp độ U và đội tuyển có sự chênh lệch rất lớn về đẳng cấp và tham vọng. Thế nên, kể cả khi nằm trong “tứ đại anh hào” ở hai giải đấu trên, ĐT Việt Nam đến với Asian Cup 2019 với tâm thế không được đánh giá quá cao. Minh chứng là trước giải đấu khởi tranh, nhà cái BET365 đánh giá tỷ lệ Việt Nam vô địch thấp thứ 2 với 1 ăn 501, chỉ xếp trên Kyrgyzstan (1 ăn 1001).
Trong khi đó, Thái Lan nhỉnh hơn đôi chút với 1 ăn 251. Những con số chỉ mang tính chất tham khảo nhưng phác họa phần nào về sức mạnh của bóng đá Đông Nam Á trên đấu trường châu lục.
Kể từ thời điểm Việt Nam bất ngờ vào đến tứ kết Asian Cup 2007 trên sân nhà, các đội bóng thuộc khu vực ASEAN đều chưa một lần tham dự sân chơi này sau đó.
Chỉ đến khi thể thức thi đấu thay đổi với 24 đội tham dự ở Asian Cup 2019, Đông Nam Á mới góp mặt 3 đại diện là Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Cũng chính việc có đến 16 đội lọt vào vòng knock-out, cơ hội vượt qua vòng bảng mới rõ ràng với họ.
Và Thái Lan lẫn Việt Nam đều nắm bắt tốt cơ hội đó. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á, có đến hai đại diện vượt qua vòng bảng và cùng thi đấu trong một ngày tại vòng knock-out. Việt Nam sẽ chạm trán Jordan còn Thái Lan đấu với Trung Quốc.
So với các đối thủ còn lại, việc gặp Jordan và Trung Quốc mang lại niềm tin lớn cho người hâm mộ về khả năng tiến xa của Việt Nam và Thái Lan. Đây cũng là cơ hội để giới chuyên môn kiểm tra về sức mạnh thực sự của bóng đá Đông Nam Á. Rằng, bóng đá khu vực này đã có bước tiến đáng kể để tiệm cận với trình độ châu lục hay việc vượt qua vòng bảng cũng chỉ là bất ngờ nhất thời.