1. Nhật Bản đã từng thua Việt Nam
Trên thực tế bóng đá Nhật Bản luôn ở trên bóng đá Việt Nam một bậc. Cách đây gần 20 năm thế hệ Văn Quyến đánh mất tấm vé dự VCK World Cup U17 thế giới cũng bởi thua U16 Nhật Bản tại trận tranh giải ba. Nhìn chung xét về mặt bằng bóng đá, chúng ta chẳng có cửa gì.
Song, mọi chuyện có thể thay đổi khi chúng ta đã thắng Nhật Bản ở một giải chính thức, cấp châu lục. Đó là trận thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Nhật Bản với bàn thắng duy nhất của Quang Hải.
Dù có những giải thích rằng Olympic Nhật Bản thật ra là đội U21 và đây là lứa để lựa chọn cho Olympic 2020 diễn ra tại Tokyo. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy, không phải là Nhật Bản không thể thua. Chính trận thắng này lại là liều “doping” tinh thần rất quý cho thầy cho Park Hang-seo.
2. Binh pháp Tôn Tử
Về mặt tâm lý, hiện các cầu thủ Việt Nam thoải mái rất nhiều bởi chí ít họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Như tôi đã nói ở bài trước, tuyển Việt Nam như con tốt đã sang hà, đã thỏa chí nguyện và tha hồ vùng vẫy, con tốt ấy dù đổi với bất kỳ quân nào cũng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nói cách khác, tuyển Việt Nam đã có lãi khi vào đến vòng đấu này. Trong khi đó, tuyển Nhật Bản đặt mục tiêu vô địch (tất nhiên) và áp lực để thắng tuyển Việt Nam cũng không nhỏ. Tâm lý và áp lực ấy sẽ tăng nếu chúng ta tạo được một thế trận vững chắc với sự tin cậy của hàng phòng thủ.
Trong binh pháp Tôn Tử, có một chiến thuật cực hay, đó là đưa vào nơi mất để mà còn, rơi vào chỗ chết để mà sống (Nguyên văn: Đầu chi vong địa nhiên hậu tồn, hạm chi tử địa nhi hậu sinh).
Thuật binh này được giải nghĩa: Đưa quân vào chỗ chắc chắn chết, vào tình cảnh tuyệt vọng, thì trái lại có thể chuyển nguy thành an, giữ lại được, giành chiến thắng.
Đây chính là một phương pháp thần kì để giành chiến thắng. Khi gặp tình huống nguy cấp, khi đã chỗ hiểm không còn đường rút, có thể đưa quân đến ranh giới sống chết, quân sĩ như con tốt sang sông, chỉ có thể tiến chứ không thể lùi. Để tìm được sinh tồn của bản thân, tất sẽ liều chết chiến đấu, như vậy có thể chuyển bại thành thắng.
3. Các "ông lớn" không dễ thắng
Trận đấu giữa Bahrain và Hàn Quốc đã mang lại nhiều hy vọng cho những đội bóng nhỏ. Bahrain cũng là đội vào vòng trong với vé vớt nhưng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đội tuyển của ngôi sao Son Heung Min.
Cách đá của Bahrain cũng là những gợi ý tốt cho tuyển Việt Nam khi đội này nhường thế trận hoàn toàn cho Hàn Quốc nhưng đã có những pha phản công sắc bén mà trước khi bị thủng lưới bởi bàn thắng ấn định tỉ số, chính các cầu thủ Hàn Quốc cũng tỏ ra lo lắng.
4. Bí mật
Thủ quân đội tuyển Nhật thừa nhận với báo giới rằng: “Đội tuyển Nhật Bản chỉ có 2 ngày để chuẩn bị cho trận gặp Việt Nam và đến lúc này chúng tôi chưa biết nhiều thông tin về đội bóng này”.
Như “Tôn Tử Binh Pháp” viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định”.
Việc Nhật Bản biết quá ít về Việt Nam rõ ràng là lợi thế cho thầy trò ông Park Hang-seo có thể đưa ra những phương án khiến đối phương bất ngờ.
5. Trọng tài
Theo công bố của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), tổ trọng tài điều khiển trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản đều là người UAE. Ông Mohammed Abdulla Hassan sẽ bắt chính trận đấu, còn 3 trợ lý của ông lần lượt là Mohamed Alhammadi, Hasan Almahri và Ammar Aljenibi.
Thật ra lý do này xuất phát từ... suy đoán của cộng đồng mạng Việt Nam thôi, với một suy nghĩ rằng: hẳn là chủ nhà cũng mơ ngôi vô địch và để làm được điều đó thì họ phải tìm cách loại những đội mạnh hơn. Ví dụ như Nhật Bản. Bởi thế, gây khó khăn cho Nhật Bản chính là việc làm đúng đắn đối với người UAE.
Nói vui vui vậy thôi chứ ngoài ông trọng tài còn có hệ thống VAR, nhưng biết đâu...
Với 5 lý do ấy, tôi cứ tin là tuyển Việt Nam sẽ làm nên bất ngờ, đi tiếp hành trình kỳ diệu. Còn bạn thì nghĩ gì?