Nhiều đội bóng cùng bảng với đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019 có chung một suy nghĩ là tuyển Việt Nam sẽ là đội lót đường. Có HLV nói thẳng ra, có người úp mở, có người mặc định là như vậy.
Vậy chúng ta có thực sự là đội bóng lót đường? Lúc này mà nói câu ấy, hẳn sẽ có người tự ái. Lót đường là lót thế nào? Đường đường là trên đỉnh ĐNÁ, lọt vào tận bán kết ASIAD 2018 và hạng nhì giải trẻ U.23 Châu Á mà gọi là lót đường thì có vẻ bỉ mặt nhau quá.
Asian Cup và những giải đấu bóng đá quốc tế hấp dẫn nhất năm 2019
Nhưng hãy chậm lại một chút. Đội tuyển chúng ta vừa qua một giai đoạn có thể gọi là đỉnh cao và nếu hỏi ai đó sau đỉnh cao là gì? Tất nhiên câu trả lời của người thận trọng sẽ là "vực sâu"; còn người lạc quan sẽ nói: "Tiếp theo đỉnh cao là… đỉnh cao nữa".
Nhưng ở đời, chạm đỉnh cũng là lúc bắt đầu giai đoạn suy thoái. Nó là chuyện rất bình thường, quy luật cực thịnh tất suy là vì thế. Trong thể thao có một khái niệm đó là điểm rơi: phong độ của một cầu thủ hay một đội bóng nào đó khi đi lên rất cao sẽ chạm vào "điểm rơi" tức là đạt độ tốt nhất về phong độ. HLV giỏi sẽ biết điều chỉnh "điểm rơi" này đúng vào giai đoạn quyết định, có tính chất bước ngoặt để tạo thắng lợi.
Không cầu thủ nào, đội bóng nào có thể ở mãi trên đỉnh cao. Việc giữ phong độ cho một đội tuyển, đôi khi cũng không phụ thuộc vào sự tài giỏi của ông HLV. Cái vận khi đã qua thì kiểu gì cũng rớt.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là chúng ta đã ở điểm cực thịnh hay chưa? Đó vẫn còn là câu hỏi.
Bóng đá Việt Nam đã ở điểm cực thịnh chưa?
Người ta vẫn nhắc nhau: không được ngủ quên trên trên vòng nguyệt quế là một hình ảnh mang tính biểu tượng và khi để khỏi ngủ quên, đôi khi cần tạt một gáo nước lạnh. Gáo nước ấy, tôi nghĩ ông Park Hang-seo đã dùng với cầu thủ của mình bằng việc siết lại đội hình sau AFF Cup 2018, không để cầu thủ có thời gian thả lỏng quá nhiều.
Ở một góc độ nào đó, tôi tin là thành công của đội tuyển Việt Nam chưa đạt đến đỉnh. Nghĩa là những con người ấy, từng cầu thủ vẫn có thể chơi hay hơn, tốt hơn đồng nghĩa với việc đội tuyển sẽ chơi hay hơn, tốt hơn.
Trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên vừa rồi cho thấy ở một sân chơi cao hơn, những đối thủ mạnh hơn thì đội tuyển Việt Nam vẫn lộ ra nhiều chệch choạc nhưng nó cũng cho thấy chúng ta còn "dư địa" để phát triển tiềm năng cầu thủ, điển hình như trường hợp Công Phượng. Công Phượng chơi không tồi nhưng vẫn có những pha bóng dở. Thế thì hạn chế cái dở, thì chính mình cũng sẽ hay lên.
Top 10 bàn thắng đẹp nhất của các ĐT Việt Nam trong năm 2018
Ngày 31/12 tới, tuyển Việt Nam còn một trận giao hữu nữa với Philippines. Đây là trận đấu không có nhiều yếu tố để đánh giá (dù Philippines cũng rất xuất sắc để có mặt). Philippines, Thái Lan, Việt Nam hiển nhiên là bị coi là chiếu dưới khi thi đấu ở Asian Cup.
Nhưng bị coi là lót đường cũng có cái tốt. Đó là tâm lý thoải mái. Đó là không bị đối phương săm soi. Cái lò xo bị nén lại bao giờ cũng tạo ra sức bật mạnh hơn.
Vì thế cũng đừng nên ngại việc họ coi chúng ta là lót đường. Điều quan trọng là chính cầu thủ không có tâm lý, tư tưởng "lót đường" thì con đường có thể sẽ dài hơn ở Asian Cup.
Vấn đề là ĐT Việt Nam có sẵn sàng cho việc lót đường để… đi xa hay chưa, khi trận chung kết Asian Cup 2019 diễn ra vào… 27 Tết Âm?
Top 5 bàn thắng đẹp nhất của Nguyễn Công Phượng trong năm 2018