Tôi được người bạn gửi cho một đường dẫn từ Facebook. Theo đường dẫn ấy là một dòng trạng thái của CEO một công ty bất động sản lớn “phàn nàn” về chuyện VFF nhận tiền thưởng của công ty này một cách thiếu trọng thị.
Chuyện là thế này: Hồi ông Park Hang-seo cùng các học trò vào chung kết U.23 Châu Á, công ty kia quyết định tặng ông thầy người Hàn Quốc một căn nhà, sau đó tặng thêm mỗi cầu thủ 100 triệu voucher nữa. Đến khi đội quân U.23 Việt Nam thành công ở ASIAD thì doanh nghiệp này quyết định thưởng 1 tỉ nữa.
Vị CEO kia phàn nàn ở chỗ họ muốn chuyển trực tiếp cho cầu thủ, HLV nhưng VFF yêu cầu “chuyển qua hệ thống ngân hàng”. Doanh nghiệp không chịu và VFF phải cử trợ lý cùng Anh Đức và Đình Trọng đại diện đội đến nhận tiền vào tháng... 12, tức là 4 tháng sau khi hứa thưởng. Phía anh doanh nghiệp cho rằng việc chỉ cử trợ lý và hai cầu thủ mà họ cho rằng một là quá già, hai là chấn thương và đều không dự giải Asian Cup là thiếu trọng thị doanh nghiệp, “tặng tiền còn bị làm khổ”.
Vậy doanh nghiệp đúng hay cách hành xử của VFF đúng? Tôi cứ nghĩ mãi về điều này. Đầu tiên phải khẳng định rằng việc doanh nghiệp thưởng tiền cho đội bóng, không nói đến 1 tỉ mà 1 triệu cũng quý - nhất là sự trao tặng ấy vô điều kiện (không yêu cầu PR hình ảnh, báo chí đăng tải). Để phát triển bóng đá thì rất cần tiền, đặc biệt là sự chung tay của những doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thành công của tuyển Việt Nam hôm nay sẽ không thể đến nếu không có những “viên gạch” từ những doanh nghiệp, những nhà đầu tư, những ông bầu yêu bóng đá.
Người làm doanh nghiệp, quý trọng từng đồng tiền và họ thừa hiểu rằng đồng tiền ấy khi trao, tặng nó phải có ý nghĩa, phải phát huy được tác dụng nào đó. Từ góc độ ấy, việc doanh nghiệp đòi hỏi một sự trọng thị cần thiết cũng không phải là điều gì quá đáng nhất là trong bối cảnh đội tuyển cũng có hàng chục lời hứa. Doanh nghiệp có quyền “tự ái” nếu thấy trong sự trọng thị có đối xử chênh lệnh. Chẳng hạn, việc nhận mức thưởng 2 tỉ có đầy đủ thành viên đội bóng nhưng nhận thưởng 1 tỉ mà chỉ lèo tèo vài người thì rõ ràng là gây bức xúc.
Lý do cũng bắt nguồn từ những thông tin về sự thiếu minh bạch trước đây trong việc chia thưởng mà điều này, VFF cần cải thiện ngay.
Nhưng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho VFF thì thực sự cũng không công bằng. Hình ảnh đội tuyển do một công ty đứng ra quản lý, doanh nghiệp kia cũng không phải là nhà tài trợ để được đầy đủ quyền lợi như một nhà tài trợ. Có lẽ trong vấn đề này, các ban chức năng của VFF không khéo léo, thậm chí sẽ bị cho là “được mùa nên phụ ngô khoai” khi có nhiều doanh nghiệp trao thưởng thì những món thưởng nhỏ không được chăm sóc kỹ càng.
Động đến tiền thì mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn bình thường. Không ít lần, một số lãnh đạo đã bị cho là “thánh ăn hôi” vì nhận mức thưởng tương đương cầu thủ đổ mồ hôi và máu trên sân. Trong nhiều trường hợp trước đây, không ít đội tuyển đã được hứa thưởng nhiều nhưng thời gian trôi đi, những lời hứa trở thành đãi bôi. Năm ngoái, chân chạy Vũ Thị Hương đã từng phải nói ra câu chuyện đáng buồn là có cá nhân hứa thưởng khi cô còn đỉnh cao, đến khi giải nghệ rồi mà tiền vẫn chưa thấy đâu.
Sẽ còn những câu chuyện tương tự khi nói chuyện tiền thưởng. Phía người thưởng, không có nghĩa là anh cho tiền thì anh muốn lên trời cũng được, muốn nói cái gì cũng xong bởi nó còn có những quy định. Phía nhận thưởng thì hãy coi mình là khách hàng, biết nâng niu từng đồng hỗ trợ bởi chỉ một sơ suất nhỏ, việc kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp trở về sau rất khó.
Cuối cùng thì nhờ một tác động nào đó, lời than phiền oán trách của CEO công ty bất động sản kia cũng đã bị gỡ khỏi Facebook. Đó cũng là điều nên làm, bởi khi làm điều tốt đẹp thì đừng biến mình thành con gà mái. Và, bằng cách này hay cách khác, như người ta nói: bàn tay tặng hoa hồng thì bao giờ cũng phảng phất hương thơm.