Thầy trò Park Hang-seo: Cuộc sống không dễ dàng với người mạnh mẽ

thứ tư 16-1-2019 4:04:00 +07:00 0 bình luận
Tuyển Việt Nam đang tràn đầy cơ hội để có được tấm vé vào vòng loại trực tiếp ở ASIAN Cup 2019. Đó sẽ là tấm vé lịch sử. Có người sẽ nói rằng: dù gì cũng là vé vớt. Nhưng tôi sẽ nói: vớt thì sao?

Tôi có thói quen thỉnh thoảng cố gắng ghi nhớ những câu danh ngôn vô tình đọc được để áp dụng cho cuộc sống của mình, hoặc chí ít là tạo động lực khi khó khăn. Chẳng hạn, tôi rất thích câu: “Tôi chưa thấy ai mạnh mẽ mà cuộc sống của họ dễ dàng cả”.

Cuộc sống đôi khi là thế, người ta mạnh mẽ để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhưng càng mạnh mẽ thì càng thấy khó khăn hơn và lại vượt qua tạo ra những nấc thang của cuộc sống.

Hoặc, một câu nói của nhạc sĩ đồng quê Bob Marley: “Bạn không bao giờ biết bạn mạnh mẽ đến mức nào, cho đến khi được mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất của bạn”.

Thế nên cách đây 1 năm, khi đội tuyển U.23 Việt Nam tạo ra cơn địa chấn ở Thường Châu - Trung Quốc thì có người nhận xét rất hay thế này: “Nếu không có tuyết rơi thì làm sao biết được mình có thể chơi tốt đến đâu trên tuyết”.

Thầy trò Park Hang-seo: Cuộc sống không dễ dàng với người mạnh mẽ

Bản lĩnh của con người được đánh giá qua những khó khăn của họ chứ không phải những điều dễ dàng họ làm được.

Giải quần vợt Úc mở rộng đang khởi tranh, nghĩ về những điều mạnh mẽ, tôi nhớ đến Wawrinka - tay vợt vô địch Australian Open 2014, tức là đúng 5 năm trước. Ở tuổi 29, Wawrinka mới có chức vô địch Grand Slam đầu tiên và trước đó, anh luôn gặp thất bại, luôn phải đứng sau cái bóng khổng lồ của người đồng hương Federer.

Wawrinka làm gì để vượt qua thất bại? Anh ấy xăm lên cánh tay câu thơ nổi tiếng của thi sỹ người Ireland, Samuel Beckett: “Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better” (tạm dịch: “Từng thử sức. Từng thất bại. Không sao cả. Lại thử sức. Lại thất bại. Thất bại theo cách tốt hơn”).

Trong bóng đá, vớt hay không vớt chẳng quan trọng. Câu chuyện về những chú lính chì Đan Mạch là một ví dụ điển hình. Đan Mạch đã không thể vượt qua vòng loại nhưng vào phút chót, họ bất ngờ được trao tấm vé dự EURO 1992 sau khi Nam Tư bị loại khỏi giải vì lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Thời điểm 10 ngày trước EURO 1992, Đan Mạch mới được trao vé vớt dự giải đấu này.

Câu chuyện thần kỳ của Đan Mạch chưa dừng lại ở đó. Ở EURO 1992, họ lọt vào bảng tử thần với những đối thủ Anh, Pháp và chủ nhà Thụy Điển. Đan Mạch chỉ kiếm được 1 điểm sau 2 trận đấu đầu tiên với Anh và Thụy Điển. Ở trận đấu cuối cùng, Đan Mạch đã lách qua khe cửa hẹp với chiến thắng trước Pháp để giành cùng Thụy Điển giành vé lọt vào bán kết.

Tại bán kết Đan Mạch đã xuất sắc cầm chân Hà Lan với tỷ số 2-2. Họ đã giành chiến thắng với tỷ số 5-4 ở loạt sút luân lưu cân não. Cuối cùng, họ gặp đối thủ mạnh nhất là nhà ĐKVĐ thế giới CHLB Đức. Bằng sự kiên cường và tận dụng những cơ hội hiếm hoi, Đan Mạch đã lên ngôi và tạo ra câu chuyện thần kỳ nhất trong lịch sử bóng đá.

Tôi không dám mong thầy trò Park Hang-seo có thể viết một câu chuyện tương tự tại ASIAN Cup 2019 với chiến thắng ở trận đấu cuối cùng. Nhưng ai đánh thuế giấc mơ đâu và điều căn bản là chúng ta có cơ sở để mơ những điều đó. Cũng như Đan Mạch ngày trước, họ vô địch không chỉ nhờ may mắn mà còn nhờ những cá nhân xuất sắc thời điểm đó như thủ môn Peter Schmeichel, anh em nhà Laudrup - những con người từng đến Việt Nam. Bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ tốt nhất trong lịch sử. Hơn thế, họ còn là tương lai khi là đội tuyển có tuổi đời trung bình thấp nhất ASIAN Cup này.

Hai trận thua đầu tiên, tuyển Việt Nam chưa có điểm số nhưng có niềm tin và trận gặp Yemen là chính là cơ hội “được mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất”.

Sẽ là tấm vé vớt và sẽ là những câu chuyện mang hơi hướng cổ tích được viết tiếp bởi những Quang Hải, Công Phượng, Ngọc Hải, Văn Lâm...

Bạn tin không? Còn tôi, tôi rất tin.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm