Sao phải sợ người Nhật, sao không dám mơ về... con voi?

Song An
thứ tư 23-1-2019 7:42:21 +07:00 0 bình luận
Cầu thủ Việt Nam vẫn thường sợ phải đá với các đối thủ Đông Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Nhưng khi mà xã hội Nhật và Việt đang vận động theo hai chiều ngược nhau thì giấc mơ đánh bại người Nhật hoàn toàn có thể sớm trở thành hiện thực.

Trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam chơi khá tốt trước các đội bóng Tây Á nhưng lại thường tỏ ra yếu đuối trước các đối thủ Đông Á. Bởi vì Hàn, Nhật mạnh hơn hẳn ta, hay vì ta sợ họ? Nhìn cái cách mà Hàn, Nhật chật vật vượt qua Bahrain hay Turkmenistan - những đối thủ không quá vượt trội so với chúng ta (thậm chí còn xếp dưới Việt Nam trên BXH FIFA) - thì câu trả lời có lẽ là cả hai.

Chúng ta ít biết về những quốc gia Tây Á và thường vào trận với một tinh thần không biết sợ (để rồi đôi lúc chơi tới 120% sức lực). Chúng ta hiểu quá rõ sức mạnh của những người láng giềng Đông Á trong cả kinh tế lẫn thể thao và thật khó để phô diễn được 100% khả năng trước uy danh của Nhật, Hàn.

Người Nhật đúng là đáng nể, nhưng từ góc độ nào đó thì họ không mạnh như chúng ta vẫn nghĩ. Nhìn vào danh sách ĐT Nhật Bản tham dự Asian Cup lần này, có thể dễ dàng nhận ra sự thiếu vắng của những ngôi sao lớn. Năm 2015 họ vẫn có Shinji Kagawa, Shinji Okazaki, Keisuke Honda, Yuto Nagatomo...

Năm nay chỉ lão tướng Nagatomo còn ở lại, và anh cũng đã chuyển từ Inter Milan sang một đội bóng kém danh tiếng hơn là Galatasaray. Tài năng bóng đá Nhật dường như đang trở nên khan hiếm hơn, và điều đó cũng phản ánh một xu hướng chung của xã hội Nhật Bản.

Sao phải sợ người Nhật, sao không dám mơ về... con voi?

Bóng đá Nhật Bản không còn những ngôi sao lớn như Nakamura hay Nakata nữa

Năm 2018 vừa rồi, Nhật Bản đã chứng kiến sự sụt giảm dân số tự nhiên lớn nhất trong lịch sử. Chỉ có khoảng 920.000 em bé ra đời nhưng có tới 1,37 triệu người mất đi, tức dân số Nhật giảm đi gần 500.000 người sau một năm. Tình trạng đó dự kiến sẽ còn tiếp diễn. Từ mức 124 triệu người hiện nay, dân số Nhật sẽ chỉ còn khoảng 88 triệu người vào năm 2065.

Dân số giảm đi cũng có nghĩa là nguồn tuyển chọn tài năng sẽ hạn hẹp hơn. Ở Nhật Bản, điều đó càng trở nên nghiêm trọng bởi cơ cấu dân số nước này được xếp vào hàng “siêu già”. Những người trên 65 tuổi đang chiếm tới 20% dân số Nhật, và đến năm 2030 thì tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 30%. Nói cách khác, lượng thanh niên Nhật đã, đang và sẽ giảm đi nhanh chóng, và đó không phải là một tin tốt lành cho nền bóng đá Nhật Bản.

Ở Nhật, độ tuổi trung bình của người lao động nói chung cũng như cầu thủ bóng đá nói riêng đang ngày càng tăng và nếu cần một ví dụ thì không gì tốt hơn là trường hợp của Kazuyoshi Miura. Cách đây 2 tuần lễ, huyền thoại có biệt danh “King Kazu” (sinh năm 1967 và thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1986) vừa ký gia hạn hợp đồng thêm 1 năm với Yokohama, tức ông sẽ chơi bóng đến ít nhất là năm... 53 tuổi.

Theo chiều ngược lại, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, với khoảng 70% dân số nằm trong độ tuổi lao động và xu hướng này dự báo sẽ còn kéo dài đến giữa thế kỷ. Với nền tảng vĩ mô ổn định, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dồi dào và vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc (nên sẽ được hưởng lợi nhờ làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại), kinh tế Việt Nam hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới.

Kinh tế tăng trưởng ổn định, dân số đông và trẻ là công thức cơ bản để đạt được thành công trong bóng đá. Có nghĩa là, chúng ta sẽ còn sản sinh ra nhiều thế hệ vàng nữa và những Quang Hải, Xuân Trường, Văn Đức... chỉ là sự khởi đầu.

Sao phải sợ người Nhật, sao không dám mơ về... con voi?

Bóng đá Việt Nam sẽ còn sinh ra nhiều Quang Hải hay Văn Đức...

Người Nhật đang hay hơn chúng ta, nhưng họ đã ở trên đỉnh (và sẽ đi xuống), còn chúng ta vẫn đang đi lên. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Họ như trâu già, ta như con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khỏe ra, nó sẽ chiến thắng được con trâu già”.

Ngày đó là bao giờ, chưa ai biết rõ. Nhưng không ai cấm chúng ta mơ. Không phải chính người Nhật cũng là bậc thầy mơ mộng hay sao?

Năm 1981, khi J-League thậm chí còn chưa ra đời, tác giả Yoichi Takahashi đã cho cậu bé Subasa - năm đó 11 tuổi - dõng dạc phát biểu trong cuốn truyện tranh cùng tên rằng: “Một ngày nào đó, cháu sẽ tham dự World Cup”. Nếu vậy thì chẳng có lý do gì mà Quang Hải và các đồng đội không thể tự tin nói rằng “Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ đánh bại Nhật Bản”.

Và biết đâu đó lại là ngày mai....

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm