HLV STEVE DARBY:
* Rất nhiều người đã tiếc cho đội tuyển Việt Nam khi để thua trước Nhật Bản, ông nghĩ sao?
Đúng là đội tuyển Việt Nam đã thi đấu rất hay, có 3 cú dứt điểm trúng đích trong hiệp đầu tiên, và nếu như các cầu thủ tận dụng tốt các cơ hội ấy thì có thể trận đấu đã khác. Nhật Bản là một đội bóng ở đẳng cấp thế giới, họ có thể tạo sức ép trên toàn sân. Tôi đã nghĩ đây sẽ là trận đấu khó khăn nhất của đội tuyển Việt Nam tại giải này, và không thể ngờ đội lại chơi hay đến thế. Trước khi vào giải, bạn có thể hình dung rằng Việt Nam vào tới tứ kết, chơi sòng phẳng với đội thường xuyên dự World Cup là Nhật Bản và chỉ chịu thua bởi một quả penalty sau tình huống trọng tài sử dụng VAR?
* Ông có thể đánh giá một cách tổng quan về đội tuyển Việt Nam tại giải đấu năm nay? Và ông ấn tượng nhất với những cầu thủ nào?
Các bạn đã có 5 trận đấu xuất sắc, vượt trên sự trông đợi của tất cả mọi người. Đội bóng được tổ chức rất tốt, tinh thần thi đấu tuyệt vời và luôn thể hiện toàn bộ năng lực của mình trong mọi trận đấu.
HLV Park Hang Seo đã làm rất tốt công việc của mình. Đội tuyển Việt Nam cho thấy sự toàn diện, phòng ngự chặt chẽ và tổ chức phản công cũng rất sắc sảo. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh về sức mạnh tinh thần, các tuyển thủ không hề tỏ ra chút e ngại nào trước mọi đối thủ!
Tôi đặc biệt ấn tượng về Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức... họ sẽ còn tiến xa nếu được chơi bóng ở nước ngoài.
* Vâng, tinh thần và thái độ thi đấu đầy tự tin ở sân chơi châu lục quả là điều rất khác biệt so với các thế hệ trước của đội tuyển Việt Nam. Ngay lúc này, nhiều người tiếp tục nghĩ đến SEA Games 30, nơi đội U-22 Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành HCV...
Tôi biết điều ấy. Nhưng cá nhân tôi không nghĩ SEA Games quá quan trọng, sẽ rất vui nếu giành HCV, nhưng nếu không thì cũng không nên nặng nề quá. Bóng đá Việt Nam nên hướng tới việc giữ vững vị trí số 1 ở Đông Nam Á và hướng tới những cái đích cao hơn, xa hơn – góp mặt ở Olympic, hoặc tiến tới vòng loại cuối cùng tại World Cup chẳng hạn.
* Đúng là chúng tôi lại đang có “giấc mơ World Cup”. Nhiều người nhắm tới cái đích năm 2026, khi số đội dự World Cup tăng lên con số 48. Nhưng để đạt được nó thì cần làm rất nhiều việc, một cách đồng bộ. Ông nghĩ tới những nhiệm vụ quan trọng nào?
Trước mắt, bóng đá Việt Nam nên đặt mục tiêu vào tới vòng cuối cùng của vòng loại World Cup 2022; sau đó là mục tiêu tiến tới World Cup 2026, tôi nghĩ điều ấy cũng hợp lý. Nhưng kế hoạch tổng thể để hiện thực hóa “giấc mơ” ấy cần phải được triển khai ngay từ bây giờ.
Tôi khuyên các bạn hãy cố gắng “giữ chân” vị HLV này (Park Hang Seo) lại, ông ấy đã và đang làm rất tốt công việc của mình. Thứ hai, hãy tạo điều kiện để các cầu thủ giỏi được sang thi đấu ở các giải VĐQG chuyên nghiệp, chất lượng hơn như tại Nhật Bản hay Hàn Quốc. Quang Hải chẳng hạn, tôi nghe nói đã có sự tiếp cận đáng chú ý từ CLB nước ngoài, nhưng cơ hội lại phụ thuộc hoàn toàn vào CLB, tôi mong lãnh đạo của CLB sẽ thay vì nghĩ đến khoản tiền chuyển nhượng lớn, hãy xem đây là dịp tốt để đào tạo cầu thủ tiến bộ hơn, sau đó sẽ trở lại vừa góp sức cho CLB, vừa giúp ích cho đội tuyển quốc gia.
Thứ ba, hãy đảm bảo cuộc sống thật lành mạnh cho các cầu thủ, bên cạnh việc tăng cường chế độ dinh dưỡng và huấn luyện sức mạnh lâu dài... Nên nhớ, bạn sẽ rất khó gia tăng chiều cao cho các cầu thủ, nhưng hoàn toàn có thể giúp họ mạnh mẽ hơn!
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cầu thủ giỏi đi thi đấu ở nước ngoài, tôi cũng mong V.League sẽ ngày càng chất lượng hơn, và cần chắc chắn một điều là không có tiêu cực.
Độ tuổi trung bình lý tưởng, cũng là đỉnh cao sự nghiệp của cầu thủ thường khoảng 27-28. Cũng có nghĩa rằng nếu hướng tới cái đích World Cup 2026, tức sau đây 7 năm nữa, thì tại thời điểm này, Việt Nam hãy đầu tư thật mạnh mẽ, với một kế hoạch thật sự dài hơi cho lứa các cầu thủ ở độ tuổi 19-21. Tất nhiên, vẫn có một số tài năng đặc biệt trẻ hơn, hoặc những cầu thủ giữ phong độ cao tới sau tuổi 30, nhưng không nhiều.
* Xin cảm ơn ông!