“Con làm được rồi nhé bố mẹ ơi. Huy chương vàng ASIAD đầu tiên cho bắn súng Việt Nam!”, câu nói chàng trai trẻ sinh năm 1996 tự hào vang lên trước ống kính của các phóng viên khi được hỏi rằng Phạm Quang Huy muốn nhắn điều gì đầu tiên về cho gia đình.
Hẳn là rất ít người biết rằng, cho tới khi Quang Huy tỏa sáng rực rỡ tại trường bắn Fuyang ở phần thi chung kết nội dung 10m súng hơi ngắn cá nhân nam trưa nay, xạ thủ này thuộc diện "con nhà tông" trong bộ môn bắn súng thể thao.
Cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn, tượng đài của bắn súng Việt Nam thập niên 90 và đầu 2000 và cựu xạ thủ quốc gia môn súng trường Đặng Thị Hằng chính là bố mẹ và cũng là những người gieo tình yêu với môn bắn súng, những viên đạn nhỏ xíu với chàng trai Quang Huy.
Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn đã giành tới hơn chục tấm HCV SEA Games cả ở nội dung cá nhân, đồng đội, với sở trường súng ngắn bắn nhanh. Đã từng dẫn dắt đội tuyển bắn súng quốc gia, rồi trở về làm trưởng bộ môn Bắn súng ở quê hương Hải Phòng.
Đến tận bây giờ tình yêu bắn súng với xạ thủ ngoài 50 tuổi này vẫn cực kỳ mãnh liệt. Điều này có thể thấy rõ qua việc anh cực kỳ tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cẩn thận và miệt mài làm các công việc tổng hợp, thống kê thành tích chuyên môn ở các giải đấu súng trong nước. Thậm chí, anh còn thống kê cả thành tích đội tuyển quốc gia thi đấu nước ngoài, và lập một trang web cùng kênh youtube để thực hiện công việc chuyên môn với môn thể thao yêu thích đã gắn bó cả đời.
Được nuôi dưỡng dưới tình yêu mãnh liệt dành cho môn bắn súng, cậu bé Phạm Quang Huy đã quen với "môi trường súng đạn thể thao" từ lúc chập chững biết đi. 2 tuổi cậu bé Quang Huy đã "ăn cơm Nhổn" khi theo theo bố mẹ lên tập trung đội tuyển quốc gia và ở cùng bố mẹ trong môi trường thể thao đến tận năm 8 tuổi.
Không quá khi nói Quang Huy đã lưu giữ những ký ức tuổi thơ đẹp nhất đều liên quan tới môn bắn súng, và cậu bé ngày nào cũng đã đặt ra những mục tiêu lớn lao, thậm chí vượt qua cái bóng khổng lồ của người cha và tiếp tục làm rạng ranh "gia đình bắn súng thể thao có một không hai" không chỉ ở mảnh đất Hải Phòng.
"Cháu lớn (Quang Huy - PV) đã theo tập khá lâu và thi đấu có thành tích, còn cháu nhỏ hơn cũng quyết tâm, đề nghị bằng được bố mẹ cho theo tập bộ môn bắn súng tại địa phương. Các cháu có mơ ước: “Bố mẹ chưa có Huy chương Olympic, tương lai nhất định con sẽ giành được”, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn từng chia sẻ.
Giờ thì "cậu bé ăn cơm Nhổn" ngày nào, Phạm Quang Huy đã thực hiện được lời hứa đầu tiên cũng quan trọng không kém, đó là giành HCV ASIAD đầu tiên cho bắn súng Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ đằng đẵng chờ đợi.
Đánh giá về "sức nặng của tấm HCV bắn súng ASIAD", sự khó khăn và cạnh tranh khốc liệt ở môi trường đỉnh cao châu lục, không ai rõ hơn nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh.
"Giành tấm HCV ở đấu trường ASIAD rất khó, không khác gì Olympic, vì các quốc gia mạnh trên thế giới thường xuyên đoạt huy chương Olympic đều tranh tài ở đây. Khi tham dự ASIAD, các đội đều mang đến những xạ thủ ở tầm thế giới”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia sẻ sau tấm HCV kỳ tích của Phạm Quang Huy.
Phải! Dù Xuân Vinh từng mang về HCV và HCB Olympic thì chính anh cũng đã trải qua cảm giác thất bại cay đắng ở sân khấu ASIAD này. Nhưng sáng nay xạ thủ Olympic đã có thể vỗ tay hài lòng trước thành công của học trò Quang Huy.
Và từ thành phố Hải Phòng, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn cùng vợ có thể tự hào về thành tích của cậu con trai lớn, cũng như tiếp tục hy vọng về một ngày không xa trong tương lai gia đình bắn súng họ Phạm sẽ có VĐV mang về huy chương Olympic cho tổ quốc.