Dù khốc liệt và vô vàn khó khăn nhưng hẳn nhiều người cũng thấy sốc bởi sau kỳ SEA Games 32 thành công rực rỡ khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, đến ASIAD 19 Thể thao Việt Nam (TTVN) đã tụt dốc ghê gớm.
3 tấm HCV từ bắn súng, cầu mây và karate vẫn nằm trong khoảng chỉ tiêu đề ra là giành 2-5 HCV ASIAD 19, nhưng chừng đó không giúp TTVN giữ được một vị trí trong top 3 chứ đứng nói là duy trì ngôi đầu ĐNÁ như tại đấu trường SEA Games.
Rõ ràng, nếu nhìn vào BXH SEA Games 32 và ASIAD 19 dưới đây người ta sẽ thấy sự tương phản ghê gớm. Nếu 136 tấm HCV ở Campuchia hồi tháng 5 giúp TTVN lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu đại hội thể thao khu vực và bỏ xa Thái Lan đến 28 HCV, thì bước ra bể lớn châu lục, thực chất tiềm lực VĐV đỉnh cao, sự phát triển các đỉnh cao các nhóm môn Olympic đã cho thấy khác biệt một trời một vực giữa hai nước.
Thái Lan giành số HCV ASIAD 19 cao gấp... 4 lần Việt Nam (12-3) và họ cũng cao gần gấp đôi đoàn xếp thứ nhì là Indonesia (7 HCV). Điều này phản ánh chính xác thực lực của nền thể thao "anh cả" trong khu vực ĐNÁ.
Chưa hết, nếu ở SEA Games vừa qua Malaysia (34 HCV) và Philippines (58 HCV) chỉ khiêm tốn xếp thứ 7 và thứ 5 thì đến ASIAD 19 họ đã cho thấy rõ hơn thực lực. Malaysia cử đi chưa đầy 300 VĐV những đã có 6 HCV, với 3 tấm trong số đó đến từ môn squash. Còn Philippines cũng có 4 tấm HCV dù nhà vô địch Olympic cử tạ Hidilyn Diaz không giành được HCV.
Thậm chí, ngay cả quốc đảo nhỏ bé Singapore cũng thăng tiến 1 bậc so với BXH SEA Games khi vươn lên thứ 5 tại BXH các quốc gia ĐNÁ tại ASIAD 19 với 3 HCV. Singapore xếp trên chính Việt Nam nhờ giành nhiều hơn 1 HCB.
Rõ ràng, sau quá trình khẳng định vị trí hàng đầu SEA Games trong 20 năm qua khi liên tục đứng trong top 3 kể từ đại hội 2003 cũng như "vô địch SEA Games" 2 kỳ gần nhất, giờ là lúc Thể thao Việt Nam cần phải xác định lại rõ đâu là mục tiêu ưu tiên để từ đó phân bổ, đầu tư chính xác nguồn lực nhằm vươn lên một trình độ, đẳng cấp và tầm cao mới, thay vì mãi loay hoay với câu chuyện "làm gì cho 2 năm 1 kỳ đại hội khu vực".