Ngoài khó khăn về nguồn lực, rào cản lớn nhất đang đặt ra gay gắt, cho sự phát triển chính lại nằm ở bài toán chiến lược mà ngành thể thao đang rơi vào sự nửa vời tệ hại: “sân chơi” nhỏ khu vực hay “đấu trường” lớn châu lục.
Từ cả thập kỷ trước, nhiều chuyên gia, trong đó có Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã lần đầu đặt ra vấn đề thời sự “thể thao Việt Nam không nhất thiết phải luôn bảo vệ bằng được một vị trí Top 3 tại các kỳ SEA Games”. Đó phải được coi như một sự “giải thoát” khỏi những thành tích thời vụ tầm thấp, sự dàn trải để tập trung nguồn lực cho mục tiêu tầm cao là Asiad và Olympic.
Thế nhưng, quan điểm ấy đã lập tức vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ chính ngành thể thao với “kết luận” như đinh đóng cột: SEA Games mới là sân chơi chính yếu, phù hợp, hiệu quả với thể thao Việt Nam, còn Asiad vẫn là một đấu trường quá tầm.
Với sự chọn lựa mang tính gốc rễ như thế, thật dễ hiểu, cách tiếp cận, mô hình đào tạo, cách thức đầu tư của cả ngành thể thao tiếp tục tập trung cả cho đích nhắm SEA Games. Có tới hàng nghìn tuyển thủ của trên dưới 40 môn được duy trì tập huấn quanh năm suốt tháng với điều kiện và chế độ mang tính cào bằng ở mức thấp.
Thể thao Việt Nam luôn có một lực lượng đủ để luôn lọt vào Top 3 SEA Games, bất chấp chương trình thi đấu sau mỗi kỳ Đại hội lại thay đổi tới phân nửa, cùng căn bệnh thành tích ngày càng nặng với đủ các chiêu trò mang tính “hội làng”.
Thể thao Việt Nam đều đặn đứng trong Top 3 SEA Games. Thậm chí, ngay từ trước SEA Games 31 trên sân nhà cả năm, giới chuyên môn đã có thể dự báo với niềm tin chính xác 100% rằng thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. Đến SEA Games 32, dù không quyết tranh ngôi đầu bằng mọi giá, song Việt Nam vẫn thẳng tiến tới vị trí số 1 một cách thuyết phục. Đơn giản vì xét riêng ở SEA Games, thể thao Việt Nam mạnh thực sự, đã cùng Thái Lan vượt hẳn lên.
Tại SEA Games, tuyệt đại đa số các thành tích cụ thể của thể thao Việt Nam lại kém xa tầm mức huy chương Asian Games, hay đạt chuẩn Olympic. Bản thân các tuyển thủ, kể cả các gương mặt tầm cỡ châu lục hay thế giới ít ỏi, cũng chỉ chạy theo huy chương thuần túy, chứ gần như không cọ xát, nâng tầm được gì về chuyên môn.
Điều đáng nói hơn, chính sự phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào SEA Games đã khiến cho quá trình chuẩn bị cho Asian Games bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ chiến lược đến sách lược, từ việc tập luyện, thi đấu, sử dụng cho cuộc đấu đỉnh cao châu lục đều theo đúng kiểu cách, trình độ với đầy đủ những đặc thù của sân chơi khu vực.
Rốt cuộc, Việt Nam luôn giữ vững vị thế hàng đầu SEA Games song cũng giậm chân tại chỗ ở Asiad nơi mỗi tấm huy chương, đặc biệt HCV, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực tột độ cùng cả may mắn. Qua 10 lần phó hội, cao nhất TTVN mới chỉ đứng thứ 15 trên bảng tổng sắp.
Tại kỳ Á vận hội 2018 dù có số HCV tăng gấp 4 lần hai kỳ Đại hội trước song nó cũng chỉ giúp Việt Nam tăng được vài bậc trên bảng xếp hạng, vẫn chỉ đứng thứ 17 toàn đoàn. Đến kỳ Đại hội vừa kết thúc, Việt Nam với 3 HCV chỉ đứng thứ 21, thậm chí thua đến 5 đoàn trong cùng khu vực ĐNÁ.
Thể thao Việt Nam vẫn còn nằm ở nhóm trung bình khá, kém xa nhóm dẫn đầu, thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu. Với riêng kỳ Asiad 19, trên thực tế chỉ có khoảng 30-35 gương mặt của 11 môn có thể tranh chấp huy chương, và diện có hi vọng Vàng chưa quá một bàn tay.
Bên cạnh các môn bóng đá, cầu lông, golf chưa thể tính đếm đến, một số môn khác, kể cả từng là thế mạnh hàng đầu như nội dung đối kháng của taekwondo, wushu, hay rowing giờ chạm được đến HCĐ cũng vô cùng khó khăn. Suy cho cùng, chỉ có trường hợp của đội tuyển nữ cầu mây 4 người là trường hợp được đầu tư và dự báo chuẩn xác.
Mãi gần đây, ngành thể thao theo cách trực tiếp hay gián tiếp mới thừa nhận thực tế không thể mãi chạy theo Top 3 SEA Games, cũng như phải phân cấp, liên thông mạnh mẽ giữa các đấu trường, để “vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic” đúng như mục tiêu từng được những người có trách nhiệm nêu ra như một khẩu hiệu đầy mĩ miều rồi để đấy từ hội nghị toàn ngành mãi từ 2006.
Chỉ có điều, với những gì đã thể hiện từ SEA Games 31- 32 cho tới Asiad 19, những động thái đáng mừng ấy vẫn là chưa đủ, có thể dẫn đến tình trạng nửa vời kéo dài.
Thể thao Việt Nam đã thua ở ASIAD, và nhìn tới Olympic chỉ còn đúng 10 tháng nữa càng thấy khả năng giành huy chương trở nên mịt mờ.