Một pha thoát xuống của Đoàn Văn Hậu, cú vảy má rất nhanh, trái bóng tạo ra một quỹ đạo tuyệt đẹp quá tầm với của thủ môn rồi rung lưới Oman.
Đó là một cú sút đẹp, hiếm có. Lập tức, có người so sánh với cú sút với quỹ đạo "hình quả chuối" của Roberto Carlos vào lưới tuyển Pháp tròn 20 năm trước.
Nhắc đến cái tên Oman, lại cũng không ít người chợt nhớ tới Văn Quyến với bàn thắng vào lưới tuyển Hàn Quốc trên đất Oman cách đây 15 năm. Đó cũng là bàn thắng đẹp, hơn nữa, nó mang tính lịch sử.
Nhưng gọi là "siêu phẩm" thì có vẻ hơi quá. Bàn thắng của Hậu nên ở mức độ "đẹp", thể hiện bản lĩnh dám làm. Nhưng nên nhớ nó xảy ra ở một giải đấu giao hữu, với hàng loạt các thử nghiệm của ông thầy người Hàn Quốc. Nói cách khác, bàn thắng đó xuất phát từ quá ít sức ép.
Cho đến trận đấu giữa U.23 Việt Nam và Uzbekistan đến lượt Văn Đức ghi bàn. Lập tức, cũng được tôn lên hàng…tuyệt phẩm. Thậm chí có tờ báo kịp suy tôn là pha làm bàn ấy khiến liên tưởng tới sự phối hợp giữa …Xavi và Messi trong màu áo Barca!
Tất nhiên Hậu hay Đức chẳng có gì đáng chê, bởi điều tệ hại nhất chính là việc phủ nhận công sức, nỗ lực của người khác bằng sự chê bai hay nỗi nghi ngờ. Cũng giống như hệ quả tai hại nhất trong cuộc khủng hoảng thi cử vừa qua chính là việc những thí sinh có điểm cao thật mặc nhiên bị dè bỉu nghi ngờ, nhất là những thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Song, nâng một bàn thắng ở giải giao hữu trở thành siêu phẩm, kiệt tác của bóng đá thế giới thì rõ ràng là sự ngộ nhận. Thậm chí, nói như BLV Anh Ngọc thì đó là một sự tự "ve vuốt" tai hại.
Phải chăng người Việt có cái gene là luôn muốn đẩy một số việc lên quá giới hạn để cùng…tự hào.
Tôi lại nhớ đến câu chuyện rất gần trong quần vợt, truyền thông Việt Nam bỗng phát hiện ra tay vợt Lý Hoàng Nam xếp trên ngôi sao Vương quốc Anh Andy Murray gần… 300 bậc ATP. Tự hào quá! Xin thưa sở dĩ có thứ hạng này là do Murray bị chấn thương và nghỉ thi đấu trong thời gian dài nên mặc nhiên là thứ hạng bị trôi xuống chứ không phải Hoàng Nam nhà ta đã nhảy lên "chiếu trên" làng banh nỉ.
Hay chuyện vơ vào rất buồn cười, có dạo, truyền thông khẳng định Dominic Thiem- tay vợt người Áo có gốc Việt. Lý do là cái chữ rất Việt là "Thiem", kiểu Thủ Thiêm mà bé cái nhầm. Thực tế thì anh chàng này không liên quan gì đến Việt Nam.
Rồi lại chuyện nữa. Dạo World Cup, có mấy cổ động viên nhiệt tình sang Nga xem đá bóng và mang cờ đỏ sao vàng vẫy tưng bừng trên khán đài. Vô tình hình ảnh ấy lọt vào máy quay. Tự hào quá! Nhưng mà tự hào vì cái gì thì…chịu. Cũng giống như việc một hãng bia ở Việt Nam xuất hiện trên tay áo đấu của một CLB thi đấu tại Anh. Ôi hay quá. Nhưng mà có ai giải thích là hãng bia tên rất Việt Nam ấy lại đang thuộc về một ông chủ người…Thái Lan!
Cái sự tự hào ấy đôi khi hào nhoáng giống bánh dày to, bánh chưng khổng lồ, ly cà phê khủng nhất thế giới.
Tất nhiên tự hào bâng quơ chả hại ai thì tùy mỗi người nhưng nhìn đúng bản chất và vấn đề của nó thì chúng ta mới định vị mình là ai.
Sẽ có người phản đối nhưng cần phải nhắc lại một chuyện thế này: chiến tích của đội U23 Việt Nam ở Thường Châu năm ngoái đã tạo ra một cơn sốt, lễ đón tiếp rình rang tới mức cho đến giải đấu vừa rồi BTC đã "bất chấp tất cả" mà cố ép cái tên giải U.23 để bán vé, dù trong đội hình có cả những "ông già" U…40! Thực tế thì giải U23 Châu Á năm đó lại bị người ngoài rất coi thường. Tới mức đội vô địch Uzebekistan khi về tới quê nhà cứ lơ ngơ như gà đội nón vì chẳng ai ra đón.
Không phải vì một cú đá mà cầu thủ Việt bỗng lột xác và ngang hàng với Ronando, Messi. Nó phải là một quá trình, một sự khẳng định về đẳng cấp chứ không phải sự lóe sáng trong tích tắc.
Cũng chẳng nên quan trọng hóa một giải mời, thi đấu hữu nghị cho vui. Vui thôi, đừng vui quá và cũng đừng "khen cho nó chết".
Người Thái Lan đang bảo: "Bóng đá Việt Nam đang là Vua Đông Nam Á". Chỉ xin nhắc nhở: Tỉnh lại đi!