Tại ASIAD 2018, đoàn TTVN đặt mục tiêu giành được từ 3-5 HCV trong đó điền kinh được xem là mũi nhọn của TTVN trên đấu trường châu lục bởi đây là môn thể thao cơ bản Olympic. Sau cú hích từ ngôi vị số 1 Đông Nam Á tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam có cơ sở để tạo nên bước đột phá mới như môn bắn súng đã làm được ở Olympic 2016.
Theo ông Dương Đức Thủy, lãnh đội của ĐT điền kinh Việt Nam tham dự ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng kế thừa Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng để hướng đến Đại hội thể thao châu Á này từ năm 2010. Khi đó, một loạt nhân tố trẻ như Hằng, Ngọc, Thủy (Hà Nội) thi đấu bên cạnh các nhân tố tạo thành bộ khung Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền.
Bùi Thị Thu Thảo, VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2017, được kì vọng tạo ra sự đột phá cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018
"Có giai đoạn điền kinh Việt Nam bị chững lại. Sau Vũ Thị Hương, chúng ta phải mất một thời gian mới có người kế tục Lê Tú Chinh", ông Dương Đức Thủy cho biết. "Chỉ tiêu của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018 là đổi màu huy chương bạc đã có được ở Incheon 2014. "Bột" chúng ta đã có, giờ là lúc cần sự nỗ lực của cả VĐV và HLV".
Bùi Thị Thu Thảo, VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2017 là gương mặt sáng giá nhất cho chiến dịch "săn vàng" của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Khác với Incheon 2014, nội dung nhảy xa ở kỳ này có thêm vòng loại (chỉ có 3 lượt nhảy) để lựa chọn ra từ 12-16 VĐV có thành tích tốt lọt vào VCK.
Ở vòng chung kết, các VĐV sẽ có 3 lượt nhảy thi loại và 3 lượt nhảy chung kết. Cả vòng loại và VCK diễn ra trong hai ngày. Do vậy, VĐV cần có chiến thuật tốt, tâm lý vững và hạn chế sai sót.
Lê Tú Chinh không "đốt cháy giai đoạn" ở thời điểm này. Tuy vậy, VĐV trẻ của năm Cúp Chiến thắng 2016 vẫn có thể tạo bất ngờ trong lần đầu tiên tham dự ASIAD 2018
"Tốc độ, sức mạnh, kĩ thuật của Bùi Thị Thu Thảo tốt. Chỉ cần thêm chất xúc tác "tâm lý tốt" để kết dính các yếu tố đó lại với nhau. Thu Thảo cần tránh nhảy lỗi. Hiện tại, các đối thủ đã biết rõ Bùi Thị Thu Thảo như thế nào".
Tại giải điền kinh quốc tế TPHCM - Việt Nam mở rộng, Bùi Thị Thu Thảo mặc dù đạt thành tích khá ổn 6.55m nhưng 5/6 lượt nhảy còn lại phạm qui. Đối thủ lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo là VĐV người Philippines (thành tích tốt nhất 6.72m) và 2 VĐV người Trung Quốc.
"Mục tiêu đổi màu HCV chúng tôi ấp ủ từ lâu. Đây cũng là áp lực cho điền kinh Việt Nam. Hai năm gần đây, các quốc gia như Hongkong, Đài Loan, Nhật Bản khá mạnh ở các nội dung chạy ngắn và nhảy. Ngay kể cả đối thủ trong khu vực như Indonesia cũng đã có HCV VĐTG U20 ở nội dung 100m", ông Dương Đức Thủy nhận định.
Không còn Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan là chủ lực của nội dung 400m. Để có thể đạt kết quả tốt, Quách Thị Lan cần có chiến thuật hợp lý với mật độ thi đấu dày đặc (200m, 400m, 400m rào, 4x400m hỗn hợp).
Đối với Lê Tú Chinh, lãnh đạo điền kinh Việt Nam không giao chỉ tiêu giành huy chương ngay tại ASIAD này. "Nữ hoàng tốc độ" Đông Nam Á đang trong quá trình tập luyện dài hạn với các chuyên gia Mỹ hướng đến mục tiêu Olympic 2020 nên không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn.
Đối với nội dung 4x100m, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan quá mạnh. Với những thông số thành tích hiện tại, đội tuyển 4x100m Việt Nam khó tái lập thành tích từng đạt được ở SEA Games 29 (43.88 giây). Đội hình 4x100m gồm các thành viên của đoàn TPHCM đăng ký thi đấu dưới dạng xã hội hóa.
Ở nội dung 4x400m nữ phụ thuộc vào sự phối hợp đồng đội và cả nỗ lực của các cá nhân. Bốn năm trước, đội hình 4x400m của Việt Nam (hạng 4) lẽ ra có thể đua tranh HCV khi chỉ kém các đội xếp trên vài chục phần trăm giây. Do Nguyễn Thị Huyền nghỉ thi đấu nên Quách Thị Lan sẽ là chủ lực của đội 400m. Với lịch thi đấu dày đặc (200m và 3 nội dung 400m, ban chuyên môn sẽ xem xét để có điều chỉnh chiến thuật phù hợp.
Ông Dương Đức Thủy tiết lộ điền kinh Việt Nam còn "nhân tố bí ẩn" nữa có khả năng đoạt huy chương nhưng không nêu rõ ở thời điểm này.