Kết thúc ASIAD 19, các môn võ thuật đóng góp tổng cộng 11 tấm huy chương (1 HCV, 1 HCB, 9 HCĐ), chiếm 40% thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ở kì đại hội lần này.
Thành tích này chắc chắn đã thấp hơn kì ASIAD 18 tại Indonesia, khi chúng ta có 2 HCV từ Pencak Silat, cùng những tấm huy chương bạc quan trọng ở các môn Wushu (2 HCB, 3 HCĐ). Đồng thời, những con số trên cùng thực tế thi đấu của các vận động viên để lại nhiều nhiệm vụ cho các nhà quản lý.
Karate là môn thi đấu thành công nhất với đủ bộ 1 HCV Kata đồng đội nữ, 1 HCB đối kháng cá nhân nữ và 2 HCĐ Kumite cá nhân nam - nữ, cũng phản ánh những thực tế mang tính thách thức.
Tấm HCV duy nhất thuộc về đội Kata nữ trước các đối thủ Malaysia, Brunei và Campuchia. Việc đội tuyển Nhật Bản không tham gia đã là một kì vọng lớn cho hi vọng giành huy chương, đây cũng được xem là lợi thế rất lớn cho các cô gái Việt Nam để mang về tấm huy chương vàng cuối cùng.
Trong khi đó, ở nội dung Kumite (đối kháng), chúng ta vẫn chưa thể tìm được cái tên kế thừa Nguyễn Minh Phụng tại các hạng cân nam. Ở hạng cân nữ, "công chúa" Hoàng Thị Mỹ Tâm vẫn chưa thể vượt qua sức ép từ đấu trường ASIAD, nhiệm vụ giành tấm huy chương bạc đã được thực hiện bởi nhà cựu vô địch thế giới Nguyễn Thị Ngoan với hành trình đầy khó khăn chỉ trong 4 giờ đồng hồ.
Nói về nỗi lo kế thừa, ở môn Wushu, Dương Thúy Vi dù đã thực hiện rất tốt bài thi Thương thuật và Kiếm thuật sở trường, vượt qua cả điểm số ở hai kì ASIAD trước đó cũng không thể vươn lên trước các đối thủ mạnh của Trung Quốc và Iran.
Đây đã là kì ASIAD thứ ba mà Dương Thúy Vi tham dự, việc cô gái vàng của Wushu Việt Nam vắng mặt ở kì đại hội tiếp theo tại Nhật Bản là điều đã được dự báo trước. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn chưa có vận động viên nào thực sự đạt tới đẳng cấp của Thúy Vi để cạnh tranh huy chương ở đấu trường quốc tế.
Tương tự với Trương Thị Kim Tuyền - người đưa Taekwondo Việt Nam trở lại Olympic sau lần vắng bóng ở Thế vận hội năm 2016. Trận thua đối thủ Mannopova Madinabonu (Uzbekistan) - người mà Tuyền đã hai lần đánh bại trước đó cho thấy tốc độ thăng tiến, cũng như sự cạnh tranh của môn võ Olympic ngay ở đấu trường khu vực là rất gắt gao. Khi nhìn lại, chúng ta cũng chưa có một cái tên nào đủ sức cạnh tranh huy chương ở các nội dung cá nhân.
Một thực trạng còn đáng buồn hơn xảy ra với môn Boxing, nếu Trương Thị Kim Tuyền vẫn đang giữ được phong độ thi đấu cùng hy vọng cạnh tranh, nữ võ sĩ số một của Boxing Việt Nam - Nguyễn Thị Tâm đã cho thấy những ảnh hưởng khi trở lại sau chấn thương ở SEA Games 32. Nếu không nhờ cố gắng đột phá của Lưu Diễm Quỳnh, Boxing Việt Nam hẳn đã phải đối mặt với một kì đại hội trắng tay trên đất Trung Quốc.
Nhìn sang các bộ môn thuộc nhóm vật như Kurash, Vật (Wrestling), Judo, sức cạnh tranh khốc liệt quá tầm với các vận động viên vẫn là thực tế phũ phàng mà chúng ta phải nhìn nhận.
Tín hiệu đáng mừng nhất ở các môn võ, có lẽ là màn thể hiện của võ sĩ Phùng Thị Huệ trên thảm đấu Jujitsu. Sau 4 năm khi Dương Thị Thanh Minh - người giành HCĐ đầu tiên tại ASIAD 18 vắng mặt trong lần ra quân, Phùng Thị Huệ đã thực hiện đúng kì vọng kế thừa nhiệm vụ của người tiền bối ở đấu trường Châu Lục.
Thành tích đi xuống của thể thao Việt Nam sau 5 năm trở lại ASIAD nói chung, cùng thực tế với các môn võ đã cho thấy, chúng ta vẫn đang đối mặt thách thức tìm ra lứa võ sĩ kế cận để tranh tài ở các đấu trường châu lục.