Khi ASIAD 2018 chỉ còn 19 ngày nữa sẽ khai mạc, các nhà đài ở Việt Nam vẫn chưa sở hữu bản quyền truyền hình của kỳ đại hội này.
Sau khi U23 Việt Nam thành công ở VCK U23 châu Á 2018, mức độ quan tâm của người hâm mộ ngày càng lớn. Nắm bắt nhu cầu này, những đơn vị sở hữu bản quyền luôn áp giá để "kiếm ít lợi nhuận". Theo một số nguồn tin, mức giá bản quyền ASIAD 2018 mà phía đối tác chào giá VTV lên tới vài triệu USD.
Video: Lịch thi đấu của U23 Việt Nam tại ASIAD 2018 mới nhất
Đối với sân chơi như ASIAD thì đây là con số tương đối lớn, khả năng thu hồi vốn, chứ chưa nói đến lợi nhuận khó khả thi. Việc các nhà đài ở Việt Nam chưa thực sự quyết liệt cũng là điều đã được đoán định.
Trong thông báo phát đi, VTV khẳng định, đơn vị này không thể đàm phán thành công bản quyền truyền hình ở ASIAD 2018.
"Khó khăn lớn nhất là giá bản quyền truyền hình trọn gói do phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc - đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội bản quyền sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam đặt ra quá cao. Ngay khi biết KJSM là đơn vị giữ bản quyền, với khả năng tài chính của mình, VTV đã trao đổi mua gói không độc quyền để phát trên truyền hình miễn phí nhưng đối tác không đồng ý mà chỉ chào bán gói độc quyền với giá rất cao", VTV khẳng định.
Cơn sốt U23 Việt Nam kéo theo cơn sốt về bản quyền truyền hình. Ảnh: Anh Khoa
Theo tìm hiểu, VSTV, đơn vị truyền hình sở hữu thương hiệu K+ và thường xuyên có tên trong các thương vụ mua bán bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao quốc tế có sự tham dự của ĐTQG Việt Nam, cũng chưa có kế hoạch đàm phán để mua bản quyền.
Khả năng người hâm mộ xem U23 Việt Nam, Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Dương Thúy Vi,… tranh tài ở ngày hội thể thao lớn nhất châu lục thông qua các kênh "lậu" khá cao.
Lịch thi đấu ASIAD 2018.