14 năm trước, kỳ thủ sinh năm 1990 tưởng như chỉ yêu những quân cờ Nguyễn Ngọc Trường Sơn khiến tất cả ngỡ ngàng khi bất ngờ công khai người yêu. Ý trung nhân của Sơn là một đồng đội, một "đàn chị" ở đội tuyển quốc gia - Phạm Lê Thảo Nguyên, người hơn Sơn đến 3 tuổi.
Năm 2015, Trường Sơn chính thức đưa nàng về dinh, rồi sau đó lại theo Thảo Nguyên về quê… vợ lập nghiệp, nhận mức lương kỷ lục 17 triệu đồng/tháng ở đội cờ vua Cần Thơ. Qua 8 năm nên duyên vợ chồng, Sơn- Nguyên vẫn đang tạm gác chuyện sinh con, để tập trung cao độ cho nghiệp cờ, cùng sát cánh bên nhau trên từng giải đấu, mỗi chuyến tập huấn.
Thảo Nguyên và Trường Sơn từng là cặp vợ chồng duy nhất của đoàn thể thao Việt Nam ở 3 kỳ SEA Games 30-31 và 32 khi môn cờ vua được đưa vào chương trình thi đấu. Trong đó, họ đã có một kỳ SEA Games 31 đáng nhớ ngay trên sân nhà, khi đoạt tới 3 HCV, với một cú đúp Vàng cho Sơn, còn Nguyên cũng có một lần đăng quang. Tuy nhiên, với đấu trường ASIAD, đây mới là lần đầu họ cùng nhau “phó hội”.
Có nhiều điều vô cùng đặc biệt về bộ đôi Vàng của cờ vua Việt Nam này, trước hết là một bộ sưu tập thành tích “khủng”, nhất là kể từ khi về cùng một nhà. Họ đều từng giành quyền dự tranh World Cup, đều từng đứng trong Top 100 thế giới, cùng đoạt HCV châu Á, HCV SEA Games. Hiện tại, Sơn - Nguyên cũng là bộ đôi “độc nhất vô nhị” của làng cờ vua thế giới đều đạt chuẩn đại kiện tướng quốc tế.
Trước khi kết hôn, mỗi lần đi thi đấu quốc tế, mỗi người ở mỗi phòng, giờ về một phòng nên như ví von hài hước của Sơn là “tiết kiệm hơn nhiều”. Ngoài các giải trong hệ thống chính thức, dưới màu áo ĐTQG, thì ngay cả với các giải đấu quốc tế khác mà chỉ một trong hai người tham dự, họ cũng đều đi cả hai để hỗ trợ, chăm sóc cho nhau. Trong đó, ở rất nhiều giải, Thảo Nguyên đi theo Sơn để vào vai một người trợ lý tận tâm lo lắng chuyện thống kê đối thủ, các thủ tục, hay vé máy bay…để cho chồng chuyên tâm thi đấu.
Nhiều người tưởng hai vợ chồng kỳ thủ cùng nhà cùng ĐTQG này sẽ luôn tập luyện cùng nhau song trên thực tế mỗi người lại có cách tập riêng của mình. Như Sơn chia sẻ nếu Nguyên thích tập cùng với các đồng đội nữ thì Sơn lại thường tập trên máy tính. Tất nhiên khi cần thiết, đặc biệt trước các giải đấu, họ sẽ góp ý cho nhau, cùng nhau phân tích kỹ chiến thuật, các ván cờ rồi thi đấu với nhau. Như lời Nguyên thì do sức cờ của ông xã vượt trội nên thi đấu với vợ nhiều khi không mang lại hứng thú nhiều, thậm chí còn bị ảnh hưởng. Thế nên hai vợ chồng thống nhất trong mỗi buổi tập, các giải đấu là cứ phát huy tối đa sự “độc lập tự chủ”.
Trường Sơn và Thảo Nguyên vài lần chạm trán trực tiếp tại các giải đấu không phân biệt nam nữ và luôn chứng tỏ sự quyết liệt, rõ ràng một cách không khoan nhượng trên bàn cờ. Sơn từng mất chức vô địch, cụ thể là giải quốc tế HD Bank Cup 2012 vì để Nguyên cầm hòa. Trong các buổi tập của tuyển quốc gia hay đội cờ vua Cần Thơ, họ cũng từng có những màn tỷ thí và cả tranh luận chuyên môn nảy lửa.
Tại các giải đấu cùng nhau dự tranh, với Sơn và Nguyên, điều quan trọng là cùng nhau “chiến đấu và chiến thắng”, còn ai giành huy chương hay thứ hạng cao cũng được, đơn giản vì đều là “thành tích của cả hai”. Trên thực tế, Sơn cũng đã vài lần, dù bản thân thất bại, vẫn có thể vui vẻ vỗ tay chúc mừng vợ bước lên bục nhận huy chương.
Trong lần đầu cùng nhau dự tranh ASIAD, cặp vợ chồng Sơn- Nguyên đang hướng tới mục tiêu giành huy chương, bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Thảo Nguyên sẽ đóng vai “đầu tàu” ở đồng đội nữ, còn Trường Sơn có cơ hội thể hiện sở trường đấu cờ nhanh cá nhân của mình.