Cô gái nhỏ nhắn, rám nắng ngày nào chỉ mơ "đủ sống" từ phụ hồ, đóng gạch thì nay đã "lên đời" với tấm HCV quý giá ASIAD 2018.
Ở lượt nhảy cuối cùng của nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 2018, đó là cuộc tranh chấp giữa Bùi Thu Thảo và Varakil Neena (Ấn Độ). VĐV Việt Nam có ưu thế khi tạm dẫn đầu của mức 6.55m ngay lần nhảy đầu tiên. Đến lượt nhảy của Varakil Neena, tất cả đều nín thở.
Video - Khoảnh khắc Vàng của Bùi Thị Thu Thảo ở ASIAD 2018
Những bước chạy rồi dậm nhảy của Varakil Neena theo nhịp tim đập mạnh của người hâm mộ Việt Nam trên sân Gelaro Bungkarno. Khi VĐV Ấn Độ nhảy xong, cô cười tươi vẫy chào, sự lo lắng càng tăng lên.
Chỉ khi trọng tài thông báo thành tích của Varakil Neena là 6.50m, Thu Thảo nở nụ cười mãn nguyện. Cô chạy một cách từ tốn đến khu vực BHL ăn mừng. Đó là giây phút lịch sử của điền kinh Việt Nam khi lần đầu tiên giành HCV ở một kỳ đại hội châu lục.
Để có được giây phút vinh quang đó, Thảo "Bò Vàng" từng có ước mơ thật giản dị. Cô chỉ mong có tiền chữa bệnh cho bố nhờ vào việc phụ hồ, đóng gạch.
Cô gái hiếu thảo
Cách đây 4 năm, khi giành tấm HCB ở ASIAD, Thảo "Bò vàng" không cầm được những giọt nước mắt, và cô đã hét lên thật to "con đã làm được rồi cha ơi". Cô gái có thân hình khá gầy guộc, nước da xạm đen này xuất thân trong một gia đình nghèo khó tại Ba Vì (Hà Nội).
Bùi Thị Thu Thảo ăn mừng chiếc HCV quý giá của Thể thao Việt Nam ở ASIAD 2018. Ảnh: Quang Trần
Bố mẹ đều làm nghề nông, ba anh em Thảo chỉ mong kiếm một công việc để nuôi sống chính mình và phụ giúp thuốc thang cho bố bị bệnh thấp khớp. Thế là, lúc còn nhỏ, Thảo thường lẽo đẽo theo mấy anh chị trong xóm làm bất kể mọi việc, kể cả công việc không dành cho phái nữ như đóng gạch, phụ hồ…
Khi bệnh tình của bố ngày càng nặng, đó là lúc công việc đóng gạch không đủ để phụ giúp thuốc thang, Thảo chỉ mong kiếm đủ tiền từ bất cứ nghề nào để chữa bệnh cho bố. Như một cơ duyên, Thảo "Bò Vàng" tìm đến với thể thao.
Cô kết duyên với nghiệp nhảy xa. Dù chỉ cao 1m65, với đôi chân không đạt "chuẩn" của dân nhảy xa nhưng cô gái hiếu thảo, giàu nghị lực này lại có sức bật đáng nể khiến các chuyên gia phải thốt lên "không thể tin nổi".
Trong thời gian tập luyện ở Nhổn (Trung tâm HLTTQG Hà Nội), Thảo "Bò Vàng" khiến tất cả phải thán phục khi dù những ngày rét đậm mưa phùn, vẫn thấy cô xin thầy tập thêm giờ. Thảo thừa nhận mình không phải là một VĐV có lợi thế về thể hình, nhưng chắc chắn ý chí không kém ai.
Những nỗ lực của Thảo cũng được đền đáp với những thành công ban đầu, trong đó có danh hiệu Nữ VĐV của năm Cúp chiến thắng 2017. Lúc này, cô đã có tiền giúp bố mẹ. Thế nhưng, cuộc chinh phục chưa dừng lại ở đó…
Vươn đỉnh châu lục
Trước khi tham dự ASIAD 2018, Bùi Thu Thảo quyết tâm sẽ đổi màu huy chương. Đó là cả chặng đường dài khi 1 năm trước ngày lên đường sang Indonesia, Thảo "Bò Vàng" đã chinh phục hàng loạt giải đấu danh giá khác nhau.
Giây phút hạnh phúc của Thu Thảo cùng BHL. Ảnh: Quang Trần
Tháng 5/2017, Thảo hai lần bước lên ngôi cao nhất tại hai chặng của Asian Grand Prix. Chỉ một tháng sau, cô gái rám nắng này lại giành tấm HCV lịch sử tại giải vô địch châu Á. Và đến tháng 8, Thảo đoạt tấm HCV SEA Games.
Từ những thành công đó, Thảo lên như diều gặp gió. Cô mang về 1 tấm HCB tại Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á trong tháng 9 với thông số cao nhất 6m68 vượt qua mức HCV ASIAD 2014 tới… 13 cm. Với những kỳ tích vô cùng ấn tượng trên, Thảo đã khép lại năm 2017 ở vị trí số 1 châu Á cùng 25 thế giới theo xếp hạng quốc tế, điều mà chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào có được.
Bệ phóng trong năm 2017 mở ra thành công mỹ mãn ở năm "đại cát" 2018. Hồi đầu năm, Thảo "Bò Vàng" giành HCV nhảy xa tại giải châu Á, mở ra một năm thi đấu thành công với VĐV có biệt danh là Thảo "bò vàng". Chiếc HCV ASIAD 2018 như một phần thưởng xứng đáng cho cô gái hiếu thảo, giàu lòng nghị lực này.