Bóng rổ Trung Quốc (phần 6): Nhà truyền giáo Stephon Marbury

thứ hai 3-9-2018 19:13:22 +07:00 0 bình luận
NBA đang ngày một phổ biến ở Trung Quốc và Stephon Marbury chính là nhà truyền giáo của giải đấu này ở đất nước tỷ dân.

Có nhiều ngôi sao NBA từng đến Trung Quốc để tiếp tục sự nghiệp bóng rổ, nhưng Stephon Marbury lại là người duy nhất trở thành huyền thoại và được trọng vọng ở nơi này. Stephon Marbury là ngôi sao ngoại quốc thành công nhất và được đánh giá cao nhất trong lịch sử bóng rổ Trung Quốc. Stephon Marbury cũng cầu thủ NBA có đẳng cấp cao nhất từng thi đấu tại Trung Quốc.

Sự nghiệp đáng quên ở NBA

Stephon Marbury là một trong những cầu thủ đáng chú ý nhất của lứa NBA Draft 1996, với những cái tên như Allen Iverson, Kobe Bryant, Ray Allen, Steve Nash, Jermaine O'Neal, Peja Stojakovic, Marcus Camby và Derek Fisher. Cựu ngôi sao Minesota Timberwolves có trung bình 19,3 điểm, 7,6 kiến tạo và 1,2 cướp bóng trong sự nghiệp thi đấu NBA kéo dài 13 năm. Giai đoạn đỉnh cao của Stephon Marbury là khoản thời gian khoác áo Jersey Nets và Phoenix Suns với trung bình 21,0 điểm và 8,0 kiến tạo.

Stephon Marbury tin rằng các vấn đề của mình tại NBA bắt đầu khi bày tỏ mong muốn rời khỏi Minnesota Timberwolves vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Marbury từng cho biết thời tiết ở Minneapolis quá lạnh và tác động quá nhiều đến phong độ thi đấu.

Bóng rổ Trung Quốc (phần 6): Nhà truyền giáo Stephon Marbury - Ảnh 1.

Ký ức của Stephon Marbury về New York Knicks là những đau buồn.

Sự nghiệp NBA của Marbury bắt đầu có dấu hiệu kết thúc khi HLV Mike D'Antoni chỉ cho phép cầu thủ này ra sân 24 trận đấu trong mùa giải 2007-08. Ở mùa giải sau đó, Marbury chuyển sang Boston Celtics và cũng chỉ ra sân 23 trận đấu.

Stephon Marbury bức xúc nhớ lại: "Thật là đau đớn khi điều đó xảy ra. Chúng tôi [New York Knicks] đã thắng rất nhiều điểm, nhưng ông ấy vẫn không cho tôi vào sân."

Vào tháng 7 năm 2009, Marbury bắt đầu trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng trong cuộc đời. Thời điểm đó, Marbury chán nản với mọi thứ khi lần lượt chứng kiến những người thân yêu nhất qua đời - người cha, người dì và HLV bóng rổ thời thơ đấu.

Stephon Marbury ngậm ngùi nhớ lại: "Hầu như lúc nào cũng bị cô lập. Tất cả những gì tôi làm là cố gắng đứng dậy, nhưng không một ai hỗ trợ và giúp đỡ tôi. Tôi như sống trong địa ngục, và đánh mất bản thân."

Trở thành huyền thoại ở Trung Quốc

Sau khi từ chối lời đề nghị duy nhất từ Celtics lúc hết mùa giải 2008-09, Marbury dành thời gian để vùi đầu vào những giấc ngủ và chỉ ăn một ít ngũ cốc mỗi ngày. Với sự giúp đỡ từ người vợ Tasha, Marbury bắt đầu nghĩ đến việc trở lại bóng rổ. Vào tháng 1 năm 2010, Marbury trở thành cầu thủ NBA đầu tiên đến thi đấu ở Trung Quốc, trong màu áo của đội Sơn Tây.

Stephon Marbury nhớ lại lần đầu đến Trung Quốc: "Có khoảng 5.000 người hâm mộ tại sân bay. Họ chào đón tôi theo cách không thể tuyệt vời hơn."

Ba chức vô địch trong 6 mùa giải thi đấu ở Trung Quốc, Marbury có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ trong giới ngoại binh. Tại Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc (CBA), Stephon Marbury có trung bình 22,6 điểm, bao gồm 29,5 trong mùa giải 2012-13.

Bỏ qua sự nghiệp đáng quên ở NBA, Stephon Marbury đã đến và trở thành một vị vua bóng rổ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Hãy tưởng tượng xem John Wall sẽ được coi trọng như thế nào nếu dẫn dắt Washington Wizards giành chức vô địch NBA. Đó là những gì mà Stephon Marbury đã làm ở Trung Quốc, khi dẫn dắt Bắc Kinh Ducks giành chức vô địch CBA lần đầu tiên trong lịch sử và giúp đội bóng này thống trị giải đấu 3 trong 4 năm.

Bóng rổ Trung Quốc (phần 6): Nhà truyền giáo Stephon Marbury - Ảnh 2.

Stephon Marbury đạt được mọi vinh quang và sự trọng vọng ở Trung Quốc.

Những đóng góp của Stephon Marbury cho nền bóng rổ Trung Quốc và Bắc Kinh to lớn đến mức mà giờ đây anh có mọi thứ mà bao cầu thủ ngoại quốc khác ở CBA ao ước.

Stephon Marbury thậm chí còn được dựng tượng tái hiện lại hình ảnh cầm chiếc cúp vô địch CBA mùa giải 2012 bên ngoài nhà thi đấu MasterCard Center, nơi tổ chức các trận bóng rổ tại Olympic 2008. Còn có một bức tượng khác gợi nhớ hình ảnh Stephon Marbury ăn mừng danh hiệu cùng hai đồng đội bên ngoài sân tập của Bắc Kinh Ducks. 

Không dừng lại ở đó, người Trung Quốc còn lập một bảo tàng mang tên Marbury dài 5km ở Quảng trường Thiên An Môn để trưng bày toàn bộ kỷ vật mà Stephon Marbury đã sử dụng trong sự nghiệp, từ áo đấu, phụ kiện và huy chương.

Ngoài ra, một vở nhạc kịch kinh điển cũng được người Trung Quốc dựng lên để nói về cuộc sống của Stephon Marbury. Bản thân Marbury cũng từng đóng vai chính trong bộ phim My Other Home, bộ phim Trung Quốc dựa trên cuộc đời của cầu thủ này.

Stephon Marbury là người ngoại quốc hiếm có nhận được thẻ xanh Trung Quốc. Đây là một đặc quyền mà ít ai có được, theo thống kê ở Trung Quốc có không quá 100.000 người ngoại quốc được cấp thẻ xanh, và Marbury là vận động viên thể thao duy nhất.

Ít ai biết rằng Stephon Marbury đã bán một dòng giày bóng rổ riêng với giá 15 đô và có độ bền cao. Hiện nay, Stephon Marbury vẫn cho bán dòng giày riêng tại Mỹ với giá dao động từ 14,98 đô đến 60 đô. Marbury thậm chí còn tuyên bố dòng giày của mình vẫn bán cực chạy thông qua các cửa hàng trực tuyến tại Mỹ.

_______

Nếu như Yao Ming được xem là huyền thoại - vị thần của bóng rổ Trung Quốc, Stephon Marbury chính là nhà truyền giáo NBA vĩ đại nhất từng đặt chân đến đất nước này.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm