Khác với Giải bóng rổ nhà nghề Philippines (PBA, được thành lập 1975), Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc (CBA) chỉ mới bước sang tuổi 23. Tuy đã thống trị Châu Á từ rất lâu, nhưng mãi tới năm 1995 thì bóng rổ Trung Quốc mới có một giải đấu mang tính chuyên nghiệp.
Giải đấu này chính là nền tảng tốt nhất để nhiều cầu thủ Trung Quốc sau này đặt chân vào NBA. Ngoài Giải bóng rổ nhà nghề Tây Ban Nha (ACB) và Giải bóng rổ nhà nghề Úc (NBL), CBA cũng được các tuyển trạch viên NBA chú ý như một giải đấu để tìm kiếm tài năng - thường là những trung phong tiềm năng.
Tuy nhiên số lượng cầu thủ Trung Quốc có thể hít thở bầu không khí NBA là không nhiều. Wang Zhizhi, Mengke Bateer, Yao Ming, Yi Jianlian, Sun Yue, Zhou Qi và mới đây đến lượt Ding Yanyuhang là những người được ghi danh vào lịch sử bóng rổ Trung Quốc với tư cách một trong những số ít cầu thủ được thi đấu ở môi trường đỉnh cao NBA.
Điểm chung giữa CBA với những giải bóng rổ nhà nghề khác ở châu Á là lấy NBA làm hình mẫu để học hỏi. Tuy nhiên, CBA lại là giải đấu thành công nhất và rộng lớn nhất về quy mô.
Logo của Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc.
CBA là giải đấu có 20 đội bóng thành viên trên khắp Trung Quốc, từ Tân Cương xa xôi ở phía Tây Bắc cho đến Thâm Quyến vùng Đông Nam. Mỗi đội bóng được phép sử dụng tối đa 2 cầu thủ không phải người châu Á trong đội hình. Một đội bóng được sử dụng cầu thủ không phải người châu Á thứ ba với điều kiện người đó phải có 5 mùa giải thi đấu ở CBA trở lên.
Quy tắc sử dụng cầu thủ không phải người châu Á của CBA có phần khắc khe hơn so với nhiều giải đấu khác. Các đội được phép cho cầu thủ không phải người châu Á thi đấu toàn bộ một hiệp đấu chỉ 6 lần trong cả mùa giải. Quy định có phần rắc rối này ra đời nhằm giúp các cầu thủ Trung Quốc được thi đấu nhiều hơn, kể cả dự bị.
CBA là viết tắt của Chinese Basketball Association, nhưng trớ trêu rằng giải đấu này thường xuyên bị nhầm lẫn với tổ chức cùng tên là Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc (CBA). Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc được thành lập từ năm 1956, và đây là cơ quan đại diện cho bóng rổ Trung Quốc để làm việc với FIBA (Liên đoàn bóng rổ Thế Giới).
Ở Trung Quốc còn có những giải đấu bóng rổ khác có lượng khán giả đông đảo là Giải bóng rổ trung học Trung Quốc (CHBL), Giải bóng rổ Trung Quốc (NBL) và Hiệp hội bóng rổ sinh viên (CUBA) - tương tự NCAA của Mỹ.
Shanghai Sharks là đội hiếm hoi ở CBA không gắn liền tên gọi với thương hiệu nhà tài trợ.
Quy định đặt tên các đội bóng ở Trung Quốc cũng đi vào một khuôn khổ nhất định.
Đầu tiên đó là vị trí địa lý các đội bóng bắt buộc phải có, chỉ có Bayi Fubang Rockets là trường hợp ngoại lệ vì "Bayi" là ngày thành lập Quân đội Trung Quốc, và đây cũng là đội bóng thuộc Quân đội Trung Quốc. Tất cả những đội bóng còn lại đều gắn liền tên gọi với thành phố hoặc tỉnh thành ở Trung Quốc.
Thứ hai đó là tên của nhà tài trợ đội bóng, thường có thể thay đổi từ năm này sang năm khác khi nhà tài trợ mới. Nhưng một đội bóng không bắt buộc phải gắn liền thương hiệu nhà tài trợ. Ví dụ: Shanghai Sharks là đội bóng không gắn liền tên gọi với thương hiệu nhà tài trợ.
Cuối cùng đó là biệt hiệu, thường là tên của một linh vật đại diện cho đội bóng.
Khác với NBA, các đội bóng ở CBA thay đổi tên gọi nhiều như lá mùa thu, thường là đổi tên nhà tài trợ và tên linh vật.
Tracy McGrady là ngôi sao NBA lớn nhất từng thi đấu ở Trung Quốc.
Cầu thủ ngoại binh đầu tiên thi đấu ở CBA là Mihail Savinkov đến từ Uzbekistan, từng thi đấu cho Chiết Giang Squirrels ở mùa giải đầu tiên (1995-96). Mùa giải 1996-97, James Hodges trở thành người Mỹ đầu tiên thi đấu ở CBA, trong màu áo Liêu Ninh Hunters. Sự xuất hiện của James Hodges mở đường cho nhiều cầu thủ Mỹ đến Trung Quốc thi đấu trong những năm tiếp theo.
Một số cái tên ngoại quốc đáng chú ý khác ở thời kỳ đầu có thể kể đến là John Spencer, người thi đấu cho Giang Tô Dragons ở mùa giải 1996-97 và David Vanterpool, tay ném của Jilin Northeast Tigers ở mùa giải 1998-99. HLV ngoại quốc đầu tiên hành nghề ở CBA là Robert Hoggard, thuyền trưởng của Tứ Xuyên Pandas trong 8 trận cuối mùa giải 1997-98.
Bước sang thế kỷ 21, ngày càng có nhiều ngôi sao NBA đến thi đấu ở CBA, bao gồm những cái tên nổi tiếng như Stephon Marbury, Tracy McGrady, Gilbert Arenas, Steve Francis, Metta World Peace, Michael Beasley, Aaron Brooks, Jimmer Fredette, Al Harrington, Lester Hudson, Kenyon Martin, Randolph Morris, Shavlik Randolph và J.R. Smith. Hầu như mọi cầu thủ từng thi đấu NBA đều trở thành ngôi sao ở CBA trong thời gian thi đấu.
Zhu Fangyu là cầu thủ ghi nhiều điểm nhất trong lịch sử CBA.
Nam Quảng Đông Tigers và Bayi Rockets chia nhau mỗi đội 8 chức vô địch để trở thành 2 tập thể có số lần đăng quang nhiều nhất trong lịch sử CBA, bỏ xa đội xếp thứ ba là Beijing Ducks (3 chức vô địch).
Zhu Fangyu là cầu thủ ghi nhiều điểm nhất lịch sử với 11.287 điểm, đồng thời cũng có số cú ném 3 điểm thành công nhiều nhất là 1.621 lần. Cựu cầu thủ NBA Mengke Bateer là người rebounds (bắt bóng bật bảng) nhiều nhất với 4.548 lần. Hu Xuefeng là cầu thủ có số kiến tạo (1.807) và cướp bóng (1.313) nhiều nhất lịch sử. Một cựu cầu thủ NBA khác là Wang Zhizhi có số blocks (chặn bóng) nhiều nhất lịch sử với 736 lần. Jason Dixon là cầu thủ có số cú úp rổ nhiều nhất lịch sử với 498 lần.
Kỷ lục ghi nhiều điểm nhất trong một trận đấu đang được Errick McCollum (em trai của ngôi sao NBA C. J. McCollum) nắm giữ với 82 điểm vào ngày 30 tháng 1 năm 2015. Trong khi đó Garth Joseph với 38 rebounds có được vào ngày 20 tháng 3 năm 2002, gần như là kỷ lục mà không một cầu thủ nào sau này làm được ở CBA.
Kỷ lục kiến tạo thuộc về cựu tuyển thủ Trung Quốc Li Qun với 28 kiến tạo có được trong ngày 2 tháng 2 năm 2000. Cựu ngoại binh Leon Rodgers nắm giữ kỷ lục ném 3 điểm nhiều nhất một trận với 15 lần thành công vào ngày 11 tháng 3 nam 2009.
Giải đấu quốc nội chuyên nghiệp là nền tảng vững chắc của mọi nền thể thao mạnh trên thế giới. Bóng rổ Trung Quốc hiểu rõ điều này và họ luôn nỗ lực không ngừng để biến CBA trở thành thương hiệu toàn cầu.
(Còn tiếp)