ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử

thứ sáu 31-8-2018 12:01:31 +07:00 0 bình luận
Với tấm HCV đầu tiên cùng vị trí thứ 8 trên bảng tổng sắp, điền kinh Việt Nam có kì ASIAD rực rỡ nhất trong lịch sử.

Sau 6 ngày thi đấu, các nội dung của môn điền kinh ASIAD 2018 đã kết thúc. Điền kinh Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ với thành tích 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ.

Đội tuyển điền kinh đến với ASIAD lần thứ 18 với một vị thế hoàn toàn khác so với những kỳ trước đây khi Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi số 1 Đông Nam Á ở SEA Games 2017. Tại Indonesia, điền kinh Việt Nam tham dự với số lượng VĐV kỷ lục cùng mục tiêu có được tấm HCV đầu tiên trong lịch sử.

Từ kỳ Asian Games đầu tiên mà Việt Nam tham gia (1982), điền kinh Việt Nam mới chỉ có được HCB (Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan) nhưng chưa có tấm HCV nào.

Có thể khẳng định, 5 tấm huy chương ASIAD 2018 mà điền kinh Việt Nam đạt được đều chất lượng cao, thể hiện năng lực, trình độ của VĐV khi phải tranh tài với nhiều đối thủ mạnh ở châu Á, nhất là trong bối cảnh một số quốc gia vùng vịnh như Bahrain nhập tịch ồ ạt các VĐV châu Phi.

ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Quách Thị Lan giành HCB 400m rào nữ. Ảnh: Quang Trần

Người được nhắc đến đầu tiên là Quách Thị Lan. Em gái của Quách Công Lịch đã xuất sắc giành HCB đồng thời phá KLQG nội dung 400m rào của chính mình (lập được ở vòng loại 1 ngày trước đó, xô đổ KLQG mà Nguyễn Thị Huyền lập tại SEA Games). Tấm huy chương "mở hàng" cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018. Khi Nguyễn Thị Huyền nghỉ thi đấu để sinh con, không ít người đã băn khoăn lo ngại Quách Thị Lan liệu có thể lấp chỗ trống mà Nguyễn Thị Huyền để lại ở nội dung 400m.

Quách Thị Lan phá KLQG tại vòng loại 400m rào nữ tại ASIAD 2018

Quách Thị Lan đã có câu trả lời thỏa đáng. Việc Quách Thị Lan nghỉ 400m (tập trung nhiều đối thủ rất mạnh) để dồn sức cho 400m rào là hoàn toàn hợp lý. Chiếc HCB của Quách Thị Lan cũng "chất" không hề kém HCV bởi VĐV chiến thắng người Bahrain vốn là người gốc Phi đầy cơ bắp. Ngoài ra, Quách Thị Lan còn thi đấu tương đối tốt ở nội dung 200m nữ dù đây không phải là nội dung sở trường.

ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử - Ảnh 4.

Bùi Thị Thu Thảo ôm chầm lấy HLV Nguyễn Mạnh Hiếu sau khi giành tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Ảnh: Quang Trần

Tấm HCB của Quách Thị Lan phần nào tạo sự hưng phấn cho Bùi Thị Thảo, giúp cô tự tin thi đấu nhảy xa trước áp lực phải giành vàng bủa vây. Trong bối cảnh một loạt các VĐV trọng điểm Hoàng Xuân Vinh, Dương Thúy Vi, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Thật, Nguyễn Thị Ánh Viên không thể làm nên chuyện lớn thì mọi ánh mắt hi vọng đổ dồn về "Thảo bò vàng", quân át chủ bài của điền kinh Việt Nam.

Bùi Thị Thu Thảo - HCV ASIAD 2018 (6.55m)

ĐKVĐ châu Á nhảy xa hội tụ mọi điều kiện để lên ngôi cao nhất ASIAD: kinh nghiệm trận mạc phong phú (giành HCB ASIAD 2014), từng suýt lập kỷ lục SEA Games với thành tích cao (6.68m), phong độ tương đối ổn định (6.55m tại giải điền kinh quốc tế TPHCM - Việt Nam mở rộng đầu tháng 8). Ngoài ra, các đối thủ của Bùi Thị Thu Thảo không có chỉ số chuyên môn quá vượt trội như ở một số nội dung khác. 

VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2017 đã không làm tất cả phải thất vọng. Cô đã trả được món nợ 4 năm trước khi "phủ đầu" ĐKVĐ Londa và các đối thủ với 6.55m ngay ở lần nhảy đầu tiên để giành tấm HCV lịch sử của điền kinh Việt Nam cũng như của đoàn TTVN.

Nguyễn Thị Oanh - 3000m vượt CNV

Bị "chìm" trong ngày mà cả Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo tỏa sáng và đội tuyển Olympic Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán kết ASIAD, tấm HCĐ của Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) rất đáng được biểu dương. Cô gái có thân hình nhỏ nhắn này đã phá KLQG với thành tích 9:43.83. Ở SEA Games 29 năm ngoái, do không có nội dung "tủ" này nên Nguyễn Thị Oanh phải chuyển lên thi đấu nội dung 5000m. 

Nguyễn Thị Oanh cũng suýt chút nữa đã có thể làm được điều bất ngờ ở nội dung 1500m nữ. Dù chỉ xếp hạng 4 song Nguyễn Thị Oanh vượt qua được chính mình, lập được kỷ lục cá nhân mới.

Phần thi của Vũ Thị Mến ở chung kết nhảy 3 bước nữ tại ASIAD 2018

Trong ngày thi đấu cuối cùng, Vũ Thị Mến cũng đã thi đấu tốt ở nội dung nhảy 3 bước với thành tích 13.93m để giành HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất trong năm của cô gái người Nam Định. Mến xếp sau VĐV người Thái Lan có cùng thành tích do chỉ số phụ tốc độ gió khi nhảy. Như vậy, trong tổng số 5 huy chương thì tổ nhảy đã góp tới 2 chiếc.

Đội tuyển 4x400m nữ gồm Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội), Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan khép lại kỳ Đại hội thành công của điền kinh Việt Nam với tấm HCĐ thứ 3. Quách Thị Lan một lần nữa thể hiện xuất sắc vai trò người chạy cuối cùng. Cô gái Ngọc Lặc đã thu hẹp khoảng cách và vượt qua VĐV Trung Quốc ở 50m cuối để cách đích ở vị trí thứ 3 với tổng thời gian 3:33.23, vượt thành tích ở SEA Games 2017 (3:33.40).

Quách Thị Lan và đồng đội giành HCĐ nội dung chạy 4x400m tiếp sức tại ASIAD 2018

Một số nội dung mũi nhọn khác như 100m nữ hay 400m rào nam ít nhiều để lại sự luyến tiếc cho người hâm mộ. Lê Tú Chinh, VĐV được nhiều người yêu mến sau khi đạt danh hiệu VĐV trẻ của năm Cúp Chiến thắng 2016, chưa thể tạo dấu ấn sau một thời gian ngắn tập huấn tại Mỹ do chấn thương và gặp nhiều xáo trộn trong kế hoạch tập luyện. Quách Công Lịch (không thi 400m nam) bị căng cơ, vấp rào đành bỏ cuộc sớm.

ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử - Ảnh 10.

Lê Tú Chinh đang trong quá trình thay đổi kỹ thuật nên không có thành tích cao. Ảnh: Trung Thu

Ở các nội dung khác, trình độ VĐV Việt Nam kể cả các nhà VĐ SEA Games như Dương Văn Thái (1500m nam), Nguyễn Văn Lai (5000m nam), Vũ Thị Ly (1500m nữ)... vẫn còn khoảng cách lớn so với các đối thủ. Đây là dịp để họ và các VĐV trẻ như Nguyễn Thị Trúc Mai, Hà Thị Thu, Lưu Kim Phụng, Trần Đình Sơn, Phan Khắc Hoàng, Cấn Thị Thủy, Bùi Văn Đông, Nguyễn Thị Hằng... tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử - Ảnh 11.

Quách Công Lịch có một kỳ ASIAD thất vọng

ASIAD 2018 khép lại, đánh dấu một cột mốc mới của điền kinh Việt Nam. Với 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ, điền kinh Việt Nam xếp thứ 8 toàn đoàn, ngang hàng với cường quốc thể thao Hàn Quốc và là quốc gia Đông Nam Á có thành tích tốt nhất. Bốn năm trước, Việt Nam xếp thứ 15/18 với vỏn vẹn 2 HCB.

ASIAD 2018: Điền kinh Việt Nam rực rỡ nhất trong lịch sử - Ảnh 13.

Bảng xếp hạng huy chương môn điền kinh ASIAD 2018

Điền kinh Việt Nam sẽ có nhiều việc phải làm nếu muốn giữ vững được thứ hạng ở kỳ ASIAD sắp tới. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm