Dọc đường AFF Cup 2022: Khám phá “chợ Việt” độc đáo giữa lòng Vientiane

Trần Khánh
thứ hai 19-12-2022 11:45:46 +07:00 0 bình luận
Giữa lòng Thủ đô Vientiane, bên những hàng sạp đông đúc người qua lại là hình ảnh những người tất tả bán mua ở một trong ngôi chợ đông người Việt ở Lào.

Từ Patuxai, Cổng Chiến thắng hay còn gọi Cổng khải hoàn, nằm ở trung tâm Vientiane, chúng tôi bắt gặp Changxan (48 tuổi) làm nghề lái xe tuk tuk. Anh nói khá sành tiếng Việt dù giọng có hơi lớ lớ. 

Changxan dẫn đường đến với chợ Thong Khan Kham.

Anh bảo, bố người Lào còn mẹ người Việt, đã rất lâu lắm rồi chưa về quê mẹ. Nhưng với Changxan, anh có cảm tình đặc biệt vùng đất quê mẹ. Khi chúng tôi đề cập đến tìm hiểu một khu vực có đông người Việt sinh sống, làm ăn, Changxan chỉ ngay đến chợ Thong Khan Kham, chỉ cách Patuxai 2km.

Changxan bảo: “Chợ này mọi người nói đùa rằng là chợ người Việt”. Vừa bước xuống xe, đập vào mắt chúng tôi là gánh hàng rong nằm ngoài đường. Chúng tôi bắt chuyện thì đó là đồng bào. Chị tên Hoa (47 tuổi), quê ở Nghệ An. 

Bên ngoài chợ.

Bên trong chợ.

Hàng của chị nằm một góc ven đường, ngay trước nhà dân. Các mặt hàng bày biện đủ thứ, từ trái cây đến vớ, khẩu trang,... Chúng được bày trên các giỏ đựng tạm. Chị tâm sự: “Tôi thuê chỗ này của dân, một ngày mấy chục kíp. Chợ Thong Khan Kham tấp nập người qua lại từ 7-8 giờ sáng. Trưa chỉ còn lác đác, đến chiều nghỉ. Đây là một trong những chợ lớn ở Vientiane và có số lượng đông người Việt”.

Chỗ bán của chị chỉ là một khu nhỏ, chưa đến 2m vuông. Chị lấy hàng từ Lào, Thái Lan và Việt Nam, hễ có gì bán đó. Chị kể: “Tôi sang đây sinh sống cách đây 7-8 năm, ban đầu ở tỉnh Bolikhamsai nhưng 2 năm nay chuyển lên thủ đô Vientiane. Do không có điều kiện thuê lô hoặc bàn ở trong chợ, tôi dạt ra ngoài, thuê của một nhà dân để mua bán”. Chị Hoa sang đây một mình, chồng cùng các con ở quê.

Chợ Thong Khan Kham có hai khu vực tách biệt khá rộng lớn. Các mặt hàng bày biện theo mỗi khu vực, rất giống với Việt Nam.

Vào sâu bên trong chợ là tấp nập kẻ mua người bán, mỗi bước chân đi ngang qua đều nghe xen lẫn tiếng Việt và Lào. Người Việt buôn bán rất đông nên không khó để hỏi chuyện. Không một mình mưu sinh như chị Hoa, chị Lệ (37 tuổi, ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nói: “Làng tôi qua đây đông lắm. Anh em thấy làm ăn được rồi kéo nhau qua. Ba mẹ đưa con cái. Thế là hình thành cộng đồng người Việt đông đảo. Tôi cũng sang đây cách đây 4-5 năm vì có chị. Nhà có mấy chị em đều buôn bán quanh chợ này và các chợ khác nên dễ giúp đỡ nhau”.

Một góc hàng của chị Hoa.

Chị bảo: “Sang đây làm ăn vì thấy có cơ hội”. Chị có người đi trước, hướng dẫn nên góp nhặt để mua 6 bàn bán ở phía trước khu vực ra vào của chợ. “Ở đây cũng phân lô như chợ quê mình nhưng có cái khác là mua bàn. Mỗi bàn thông thường 10.000 kíp/ngày. Tôi mua 6 bàn để bán đầy đủ các thứ như trứng, thực phẩm phơi khô,... Khách ở đây chủ yếu người Lào”, chị Lệ tâm sự.

Vừa bán, tranh thủ lúc vơi khách, chị gọi về cho mẹ ở quê nhà đang bị bệnh. Chị tâm sự: “Mẹ ở nhà đau ốm, lại không ở bên chăm sóc, cũng thấy tủi lắm”.

Phần lớn diện tích phía Đông của Lào giáp với khu vực miền Trung Việt Nam, khoảng cách địa lý không xa nên rất đông người miền Trung sang đây sinh sống. Ở khu vực Nong (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có xe khách đi Vientiane theo ngày, chở khách và nhu yếu phẩm. Chính vì thế, Vientiane rất đông người Việt từ nơi đây.

Ở chợ Thong Khan Kham, không khó để bắt gặp những người cùng quê. Cách khu vực chị Lệ không xa là hai mẹ con chị Bé (39 tuổi) và Quỳnh (19 tuổi). Chị Bé kể, chị sang Lào từ lúc còn con gái, cũng đã 22 năm rồi. Sau đó, chị lấy chồng, sinh còn. Bé Quỳnh là con gái đầu lòng, gửi nội ngoại ở quê học hành. Học xong cấp 3, Quỳnh sang Lào với bố mẹ.

Chị Lệ tranh thủ thời gian ít khách hỏi thăm mẹ ở quê nhà.

Cô bé tuổi 19 bán các mặt hàng thực phẩm online. Khi rảnh, cô ra phụ giúp mẹ. Chị Bé nói: “Tôi bán đầy đủ các mặt hàng, hễ có gì bán nấy, bán theo mùa và theo nhu cầu của mọi người. Như mùa đông thì lấy vớ là chủ yếu. Ngoài ra còn lấy lịch vì sắp Tết”.

Quỳnh bảo: “Do bán theo mùa nên phải tính toán được sức mua vì nếu lấy về nhiều sẽ tồn hàng, không thể bán được. Chẳng hạn mình ước chừng bán 50 đôi vớ thì lấy 50-60 vì sẽ không trả lại được mà cũng không giảm giá bởi giá trị mặt hàng không cao”. “Những năm trước, chúng tôi còn buôn bán được chứ mấy năm trở lại đây, khá ế ẩm bởi dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng”, chị Bé cảm thán. Chị cũng chưa có ý định trở về quê nhà sinh sống.

Ở ngôi chợ này, không chỉ những người phụ nữ tần tảo, các đấng mày râu cũng tất tả theo các kiện hàng. Anh Đồng (50 tuổi, ở Phú Lộc), làm nghề chính là thợ xây nhưng mỗi khi không có việc, anh lại ra chợ để phụ giúp vợ.

Góc hàng của chị Bé.
Bày biện chủ yếu mặt hàng cho mùa đông.
Lịch Tết Quý Mão đậm chất Việt.
Anh Đồng tranh thủ ngày nghỉ ra phụ vợ.
Tác giả và chị Lành.

Chợ mở cửa lúc 4h sáng, đến 12h nghỉ. Chúng tôi qua đây cũng 20 năm rồi nên cũng biết cách mua bán ở đây”, chị Lành (47 tuổi), vợ anh Đồng kể. Các mặt hàng của chị khá đa dạng, từ gia vị đến nhu yếu phẩm, “ai hỏi gì có nấy”, chị nói.

Bán buôn ngược xuôi nhưng khi bảo có đội tuyển Việt Nam sang Lào thi đấu AFF Cup 2022, ai nấy cũng hứng khởi. “Mình ở đây vất vả, ít có thời gian giải trí, cứ quần quật từ sáng đến tối nên nghe tin đội tuyển Việt Nam sang đây đá, tôi mừng lắm”, anh Đồng giãi bày.

Anh Đồng, chị Lành bảo: Không chỉ gia đình, chúng tôi sẽ rủ người thân quen để cùng nhau đến sân cổ vũ cho đội nhà.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm