Có nhiều cách để tên tuổi chúng ta được nhớ mãi trong cuộc sống. Có thể là việc trở thành một người hùng. Trở thành một con người thành đạt. Trở thành một ngôi sao màn bạc, một ca sĩ danh tiếng hoặc đơn giản chỉ là một người chồng, người cha của gia đình và luôn sống trọn với niềm đam mê cháy bỏng đến ngày cuối cùng...
Mario Wuysang - gã đàn ông với cái đầu trọc lóc trông như một kẻ dữ dằn, thô kệch nhưng hoá ra lại luôn nở nụ cười chan hoà với ngay cả chính đối thủ của mình - là một người như vậy.
Sáng 9/8/2018, Mario lặng lẽ đăng lên tài khoản instagram cá nhân một dòng trạng thái với nội dung cảm ơn không quá dài, nhưng đầy đủ, ngắn gọn và xúc tích. Lời cảm ơn gói gọn trong những dòng chữ đầy xúc động đó là cả một chặng đường kéo dài 15 năm với đầy đủ mọi thăng trầm của người được xem như là một cầu thủ điều phối bóng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, Mario Wuysang.
"Success starts in the mind" - "Thành công khởi nguồn từ tâm trí". Mario đã trích dẫn câu nói này trong lời cám ơn của mình. Sự nghiệp bóng rổ trong suốt 15 năm qua của Mario chỉ có thể gói gọn bằng 2 chữ thành công. Không đơn thuần là tiền bạc, mà còn là tình yêu vô bờ mà người hâm mộ bóng rổ cả khu vực Đông Nam Á đã dành cho Mario, bởi vì lối sống giản dị cho đến lối chơi bóng đầy hoa mỹ, nghệ thuật và cực kì thông minh.
Nhưng Mario sẽ chẳng có được ngày hôm nay nếu như đã không có những quyết định dũng cảm khi còn trẻ. Nếu được trở lại cái tuổi 23 khi ấy, Mario Wuysang có lẽ vẫn chọn con đường đã đi.
Mario Wuysang sinh ngày 5/5/1979, tại Surabaya, Indonesia - thành phố cảng cổ xưa nhất Đông Nam Á. Nền kinh tế của Xứ sở vạn đảo Indonesia đang nằm trong giai đoạn vàng son ở thời điểm đó. Điều này từng được tác giả Guy J. Pauker thuật lại trong cuốn sách "Indonesia 1979: The Record of Three Decades".
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Vào giai đoạn từ 1990, khi Đông Nam Á có những bước đi hội nhập hơn với thế giới và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng mạnh mẽ lên Indonesia, đã có rất nhiều người rời bỏ quê hương để tới Mỹ - đồng minh hậu thuẫn chống lưng của nước này. Gia đình Wuysang cũng không ngoại lệ. Điều đầu tiên mà bố mẹ của Mario làm khi đặt chân lên đất Mỹ là gửi gắm anh vào trường trung học Bloomington North, Bloomington, bang Indiana.
Mario Wuysang bắt đầu tiếp xúc với nền bóng rổ Mỹ tại ngôi trường này. Huyền thoại bóng rổ Đông Nam Á tương lai ghi danh vào đội bóng rổ trường và bắt đầu tập luyện hăng say cùng niềm đam mê cao độ. Nhưng khoảng vào thời gian đó, trường Bloomington North lại không chú trọng đến bộ môn bóng rổ. Thế mạnh của trường vốn dĩ là tennis và đấu vật. Bóng rổ chỉ là thứ yếu.
Nhưng tài năng chơi bóng và sự đam mê của Mario vẫn tiếp tục phát triển không ngừng, bất chấp việc không nhận được sự hậu thuẫn từ nhà trường. Mario Wuysang và các đồng đội đã viết nên một câu chuyện cổ tích khi vô địch cúp IHSAA - một trong những giải đấu dành cho học đường lâu đời nhất bang Indiana nói riêng và nước Mỹ nói chung. Điều này đã thật sự gây ấn tượng với các tuyển trạch viên bóng rổ của trường đại học Indiana hay còn được biết đến với cái tên Purdue University Fort Wayne.
Một chương mới mở ra cho chàng trai nhỏ bé đến từ Châu Á tại quê hương của môn bóng rổ. Một lời đề nghị kèm theo học bổng thể thao của trường đã được gửi đến Mario. Một sự công nhận tài năng từ những cầu thủ người Mỹ bản địa khác và là phần thưởng to lớn mà bóng rổ đem đến cho Mario. Trong 4 năm học tại Fort Wayne, Mario Wuysang đã được thử lửa bản thân tại 2 hệ thống giải đấu lớn mà đội bóng này tham gia, đó là Great Lakes Valley Conference và NCAA D-I Independent (tiền thân của NCAA Division II ngày nay ).
Đây quả thực là quãng thời gian vô cùng bổ ích giúp Mario tích lũy kinh nghiệm thực chiến cho bản thân để sau này trở thành hành trang quan trọng trên con đường tiến lên bóng rổ chuyên nghiệp. Từ môi trường này, biệt danh "Uncle Roe" của Mario đã ra đời và ít ai ngờ rằng cái tên này lại trở thành nỗi khiếp sợ của rất nhiều đội bóng Đông Nam Á.
Mùa hè năm 2002, mùa giải cuối cùng trong màu áo Fort Wayne chuẩn bị khép lại với Mario Wuysang. Nhưng cơ hội chơi bóng rổ chuyên nghiệp vẫn chưa đến với anh, mặc dù đã có những màn thể hiện không tồi tại giải đại học.
Bất ngờ, "Uncle Roe" nhận được lời đề nghị, nhưng không phải đến từ những đội bóng tại Mỹ, nơi anh và gia đình đang sinh sống. Cuộc gọi đến từ một đội bóng thuộc quê hương Indonesia, nằm phía bên kia bán cầu. Mario Wuysang ngay lập tức gật đầu và bản hợp đồng được soạn thảo. Vài tháng sau, Mario đặt chân trở về Indonesia thân yêu.
Aspac Jakarta là câu lạc bộ đầu tiên mà Mario Wuysang khoác áo tại Indonesia. Đây đội bóng giàu truyền thống bậc nhất ở xứ sở vạn đảo. Vào những năm đầu thế kỷ 21, Aspac được xem là đội bóng bá chủ và càn quét mọi danh hiệu quốc nội ở Indonesia với bộ đôi khét tiếng Andy và Denny. Để củng cố đế chế, Aspac đã đem về trung phong tốt nhất Indonesia vào năm 2003, Isman Thoyib và dĩ nhiên là không thể thiếu tài năng trẻ Mario Wuysang. Một "bộ tứ siêu đẳng" được hình thành và vị thế của Aspac ngày càng vững chắc hơn. 2 chức vô địch vào năm 2003 và 2005 là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của đoàn quân hủy diệt này.
Năm 2009, Wuysang quyết định chuyển đến Garuda Flexi Bandung - một đội bóng ít tên tuổi nhưng lại thể hiện tham vọng muốn thay đổi mình hơn trên bản đồ bóng rổ Indonesia. Nhưng Mario Wuysang chỉ gắn bó với Garuda Flexi Bandung đúng một năm. Ngay cuối mùa giải năm đó, Mario quyết định rời đi và viết nên những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp thi đấu.
Năm 2009, giới bóng rổ Đông Nam Á rạo rực khi kênh truyền hình Fox Sport tiết lộ về việc FIBA Asia quyết định thành lập một giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên dành cho tất cả các đội bóng chuyên nghiệp của khu vực. Satria Muda BritAma là 1 trong 6 đội bóng đầu tiên của Đông Nam Á đặt bút kí xác nhận sẽ tham gia ABL, giải bóng rổ Đông Nam Á. Ngay tại mùa đầu tiên 2009-10, họ đã xuất sắc giành vị trí Á quân. Nhưng Satria Muda BritAma không hề hài lòng với kết quả này.
Với mục tiêu phải vô địch, Satria Muda BritAma chiêu mộ Mario Wuysang và hy vọng tài năng của cầu thủ này sẽ đem họ đến với mục tiêu đó. Nhưng mùa 2010-11, Wuysang và những người đồng đội chỉ tiến được đến vòng Playoffs. Sau đó, Mario được chuyển về đội hình thi đấu tại giải vô địch quốc gia Indonesia (NBL/IBL) của câu lạc bộ. Gạt bỏ thất bại tại ABL, Mario giúp Satria Muda BritAma thống trị làng bóng rổ Indonesia. Một món quà vừa xứng đáng cho những nỗ lực của toàn đội, lại như một sự xoa dịu cho kết quả ở ABL.
Riêng cá nhân Mario Wuysang, Satria Muda BritAma dù không thể đạt kết quả cao nhất ở ABL, nhưng phần thưởng MVP Local Player đã được trao tặng cho anh sau những màn trình diễn vô cùng xúc động và đáng nhớ.
Sang đến năm 2011, công ty Indonesia Sport Venture, đơn vị chủ quản của Satria Muda BritAma quyết định tách ra làm 2 đội hình để phục vụ cho hai mục tiêu là NBL/IBL và ABL. Indonesia Warriors là đội bóng phục vụ cho mục tiêu ABL. Đội bóng này chiêu mộ HLV Todd Purves (HLV hiện tại của Hanoi Buffaloes tại VBA) đảm nhận công việc chỉ đạo. Mario Wuysang cũng được thuyết phục chuyên tâm thi đấu tại đấu trường ABL để làm điểm tựa về chuyên môn. Đồng hành với Mario Wuysang trong chiến dịch ABL năm đó còn có Stanley Pringle, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng và kì cựu của Phillipines.
Trong 2 mùa giải thi đấu tại ABL dưới màu áo của Indonesia Warriors, Mario có cho mình một chức vô địch vào năm 2012 sau khi đánh bại đội bóng đến từ Philippines, San Miguel Beermen. Cũng trong năm 2012, Mario có một kỉ niệm khó thể nào quên trên đất Việt Nam khi trở thành nạn nhân của màn lội ngược đi vào lịch sử của Saigon Heat. 30 giây điên rồ vào buổi tối ngày 17/4/2012 đã khiến cho Mario Wuysang hiểu được rằng không phải lúc nào đội mạnh hơn cũng là đội chiến thắng.
Giữa năm 2013, Mario Wuysang đã đưa ra một quyết định bất ngờ với giới mộ điệu bóng rổ trong và ngoài nước Indonesia. Anh quyết định gia nhập CLS Knights để có thể thi đấu tại giải quốc nội nhưng vẫn khoác áo Indonesia Warriors thi đấu tại ABL cho tới năm 2014. Mario Wuysang không đạt thêm thành tích nào đáng kể tại giải đấu này một lần nữa. CLS Knights những năm đó vẫn còn là một đội bóng tầm trung tại giải quốc nội IBL/NBL dù rằng họ có trong tay cầu thủ tài năng Dimaz Muharri. Với sự gia nhập của Mario, CLS Knights thiết lập được một bộ đôi vòng ngoài rất mạnh với sự cơ động, kĩ năng ném tầm trung tốt đến từ Dimaz và lối chơi bóng rất khoa học với những đường kiến tạo thông minh cùng khả năng ném 3 điểm đến từ Mario.
Để có được chữ kí của đứa con lưu lạc, đội bóng vùng Surabaya đã phải trả một số tiền khá lớn và biến Mario Wuysang trở thành cầu thủ nội hưởng mức lương cao nhất tại Indonesia. Chi tiết về mức lương không hề được tiết lộ với báo chí nhưng những đồn đoán về khoản tiền này thì luôn âm ỉ trong cộng đồng giới mộ điệu và các tay cò cầu thủ. Tất cả đều cho rằng số tiền này sau đó còn thay đổi khá nhiều dựa trên thành tích mà Mario giúp cho đội bóng.
Ngay mùa đầu tiên góp mặt, Mario cùng Dimaz đưa CLS Knights vào thẳng đến trận chung kết và giành được vị trí Á quân sau rất nhiều năm tham dự.
Dù cho sự xuất hiện của tân binh mang 2 quốc tịch Mỹ-Indo Jamarr Johnson - người chơi vô cùng xuất sắc tại IBL/NBL (ngay năm đầu đoạt MVP, Rookie of the year và Top ghi điểm) trong thời gian sau này; bất chấp sự trồi sụt phong độ của Dimaz Muharri hay cả sự trở lại muộn màng của người đồng đội một thời Isman Thoyib; Mario Wuysang vẫn tỏa sáng trong vai trò của mình với 4 lần liên tiếp nhận giải thưởng Top kiến tạo tại giải quốc nội (IBL/NBL). Mario đã nâng lối chơi Pass-First (thuần chuyền) lên một tầm cao hoàn toàn khác so với mặt bằng chung của giải. Nhanh hơn, khéo hơn và chuẩn xác hơn người khác, đó là những gì mà người hâm mộ miêu tả về những đường chuyền của người đội trưởng mẫu mực Mario Wuysang.
Đến mùa giải ABL 2017-2018, CLS Knights quyết định tham gia và Mario Wuysang cũng trở lại đấu trường mà mình từng đứng trên bục cao nhất. Ở tuổi 39, Mario vẫn thi đấu rất hay với 12,4 điểm, 3,9 kiến tạo và 3,5 rebounds (bắt bóng bật bảng) trong 28,5 phút thi đấu mỗi trận. Đặc biệt hơn cả, Mario Wuysang đã được ABL vinh danh khi trở thành cầu thủ thứ 14 gia nhập 1.000 Points Club (những cầu thủ ghi trên 1.000 điểm tại giải đấu) - anh đã ghi 1.039 điểm trong toàn bộ quá trình thi đấu tại ABL.
Mario cũng nằm trong vị trí thứ 7 của những cầu thủ kiến tạo nhiều nhất ABL với tổng cộng 286 đường chuyền thuận lợi, thuộc Top 10 cầu thủ có chỉ số steal cao nhất với 108 lần cướp bóng. Mario Wuy sang cũng trở thành cầu thủ ném nhiều cú 3 điểm thành công thứ 2 trong lịch sử của giải với 191 lần ra tay thành công, hiệu suất là 33,8%.
Kết thúc chặng đường ABL 2017-2018, Mario Wuysang đã thi đấu tổng cộng 94 trận, 2.846 phút cho giải đấu này.
Năm 2005, tức 2 năm sau ngày trở về quê mẹ, Mario Wuysang lần đầu tiên được gọi lên tuyển quốc gia Indonesia. Chức vô địch IBL/NBL cùng Aspac giúp cho "Uncle Roe" nhận được sự nể phục từ những người đồng đội lớn tuổi khác. Năm đó, Indonesia trở thành Á quân Đông Nam Á khi chỉ chịu thua Phillipines - hoàng đế của khu vực.
15 năm chơi chuyên nghiệp, 12 năm khoác lên mình màu áo tuyển quốc gia, Mario là người hiểu rõ hơn ai hết về sức mạnh khủng bố của đối thủ truyền kiếp Phillipines. Chỉ đúng một mùa SEA Games duy nhất vào năm 2011 trên chính sân nhà Jakarta, Indonesia trở thành khán giả ở trận chung kết.
Còn lại 5 lần về nhì tại SEABA, 3 lần về nhì ở SEA Games là những thành tích mà Mario có được cùng tuyển quốc gia. Tài năng của Mario được công nhận rộng rãi trên phạm vi Đông Nam Á nói riêng và toàn châu lục nói chung. Anh đã đoạt danh hiệu vua kiến tạo tại FIBA Asian Championship năm 2011 và SEABA năm 2017.
Nhà Wuysang có 2 cô cậu nhóc xinh đẹp và Mario thực sự muốn dành thời gian nhiều hơn cho chúng. Trên kênh chính thức của CLS, Mario đã có những chia sẻ rất đời thường như vậy sau một cuộc nói chuyện dài với chủ tịch đội bóng.
Đã 39 tuổi, cơ thể có thể cho phép thi đấu được mùa giải này, nhưng chưa chắc Mario có thể làm được điều đó vào mùa sau. Các lớp vận động viên trẻ kế cận cũng cần những môi trường và cơ hội để toả sáng.
Nếu Mario vẫn ở nguyên vị trí đó, bản thân anh cũng không thể tiến lên mà còn tước đi tiềm năng phát triển của những người khác. Bây giờ, không chỉ là câu chuyện về danh hiệu cá nhân, mà còn là sự phát triển chung cho tương lai CLS Knights.
Gia đình Mario Wuysang sinh sống tại Mỹ và anh sẽ quay trở lại xứ cờ hoa, tham gia vào công tác đào tạo trẻ và huấn luyện các tài năng kế cận thông qua những dự án đã được lên lịch trình.
Cô vợ Cassidy ắt hẳn sẽ rất vui mừng với điều này, vì không còn là những cách xa về địa lý, không còn phải nuôi dạy con một mình.
Mario Wuysang đã trở về.
Cám ơn Mario vì đã dành cả thanh xuân 15 năm tuyệt đẹp để cống hiến cho bóng rổ Đông Nam Á. Nếu như ngày đó anh không quyết định trở về thì người hâm mộ tại nơi đây, và thậm chí là ở quê nhà Indonesia xinh đẹp đã không được chứng kiến những nét kiêu sa vô cùng trong các đường chuyền mà anh tạo ra.
Giống như một cơn gió mát lành khiến cho nền bóng rổ khu vực phát triển, Mario Wuysang đã thực sự đem lại niềm cảm hứng cho nhiều người khi thấy anh thi đấu. Một sự khoan thai điềm tĩnh hiếm có, lắt léo, tốc độ và chuẩn xác.
Mario Wuysang, cám ơn anh vì những gì anh đã để lại đây.
Xin chào và tạm biệt, huyền thoại "Uncle Roe" !